1. Tại sao nhà đầu tư phải phân tích báo cáo tài chính (BCTC)?
Các nhà đầu tư là những cổ đông, các cá nhân, các đơn vị, doanh nghiệp khác – Là những người giao vốn của mình cho doanh nghiệp quản lý sử dụng, được hưởng lợi và cũng chịu rủi ro. Các nhà đầu tư này quan tâm trực tiếp đến những tính toán về giá trị của doanh nghiệp. Thu nhập của các nhà đầu tư là cổ tức được chia và thặng dư giá trị của vốn. Hai yếu tố này phần lớn chịu ảnh hưởng của lợi nhuận thu được của doanh nghiệp.
Trong thực tế, các nhà đầu tư thường quan tâm đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp, qua đó tìm kiếm các câu hỏi sau từ báo cáo tài chính:
- Sức sinh lời bình quân trên vốn kinh doanh, sức sinh lời vốn cổ phần…. của doanh nghiệp là bao nhiêu?
- Giá của cổ phiếu trên thị trường so với mệnh giá, so với giá trị ghi sổ như thế nào để sinh lời từ việc mua bán chênh lệch giá?
- Liệu các dự án đầu tư dài hạn của doanh nghiệp có tiềm năng phát triển hay không, có tạo nên bùng nổ về doanh thu cho doanh nghiệp ? hạch toán kế toán xây lắp
- Tính trung thực, khách quan của các báo cáo tài chính đã công khai….
Như vậy, hiểu một cách đơn giản nhất, việc phân tích báo cáo tài chính đối với nhà đầu tư là để tìm ra cơ hội sinh lời, có thể là nhận cổ tức, hay hưởng lợi do mua bán chênh lệch giá.
Báo cáo tài chính rất quan trọng khi giúp nhà đầu tư đánh giá được tình hình hoạt động của doanh nghiệp và dự đoán khả năng tăng trưởng, doanh thu, từ đó xác định giá trị cổ phiếu có thể tăng đến đâu. Ngoài ra, khi hiểu rõ được doanh nghiệp, nhà đầu tư có cơ sở để nắm giữ cổ phiếu mà không bị ảnh hưởng bởi sự biến động của thị trường, hay việc thao túng giá của các nhà tạo lập. Hãy cùng nhìn vào câu chuyện sau đây để hiểu phân tích báo cáo tài chính quan trọng ra sao trong việc quyết định mức lợi nhuận của bạn, “Lãi to hay lỗ đậm”
Hai nhà đầu tư A và B cùng mua cổ phiếu FPT ở giá 40. Người A xác định được cổ phiếu FPT trong tương lai sẽ lên được 60 và yên tâm nắm giữ, do hiểu được triển vọng hoạt động kinh doanh của FPT. Tuy nhiên, người B chưa từng đọc qua báo cáo tài chính của FPT, nên không nắm được bản chất FPT hoạt động ra sao. Khi giá cổ phiếu giảm xuống 38, nhà đầu tư này liền vội vàng cắt lỗ trong lo sợ.
2. Kinh nghiệm, thủ thuật đọc nhanh và nhận xét báo cáo tài chính
Tùy vào đặc điểm của từng nhóm ngành, nhà đầu tư cần những chú ý khác nhau. Tuy nhiên, theo Wikinvest, bạn nên chú ý những điểm sau đây để thời gian đánh giá nhanh một báo cáo tài chính, loại bỏ những cổ phiếu rác nhanh chóng.
- Không phải mọi thông tin cần tìm đều có trong báo cáo tài chính
Các thông tin về tình hình kinh tế, triển vọng ngành, mức độ cạnh tranh, động lực thị trường, đổi mới công nghệ, chất lượng quản lý và lực lượng lao động không được phản ánh trực tiếp trong báo cáo tài chính của công ty. Các nhà đầu tư cần phải biết rằng những thông tin từ báo cáo tài chính mặc dù quan trọng nhưng chỉ là một mảnh ghép trong bức tranh đầu tư rộng lớn hơn.
- Các con số lớn hay sự thay đổi bất thường .
Trong báo cáo tài chính của một doanh nghiệp, bạn cần chú ý đến những con số lớn bất thường, chẳng hạn như tỷ lệ tiền mặt/ tổng tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp quá lớn, hay sự thay đổi đáng kể giữa số liệu của các năm. Từ đó, bạn cần đi tìm lời giải thích cho sự bất thường này trong phần thuyết minh báo cáo tài chính. Đây có thể là tín hiệu tiêu cực cho tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, cũng có thể là biểu hiện của tiềm năng tăng trưởng doanh nghiệp trong tương lai.
- Hoạt động kinh doanh không đúng chuyên môn
Mỗi doanh nghiệp có những kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực kinh doanh của mình; cũng vì vậy, nó sẽ hoạt động tốt nhất trong lĩnh vực đó. Tuy nhiên, nếu bạn bắt gặp một doanh nghiệp đang chuẩn bị mở rộng sang một lĩnh vực kinh doanh mới, hoàn toàn không liên quan đến lĩnh vực hiện tại, hãy thận trọng cân nhắc việc đầu tư vào doanh nghiệp. Điều này khá rủi ro, cũng giống như việc “ một chuyên gia kinh tế không thể vào phòng mổ cứu bệnh nhân”.
- Kiểm tra độ uy tín của đơn vị kiểm toán .
Đúng vậy, việc xác minh độ uy tín của hãng kiểm toán báo cáo tài chính đã giúp nhà đầu tư giảm thiểu được phần lớn rủi ro về gian lận báo cáo của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không có gì là tuyệt đối, các công ty kiểm toán chỉ có thể đánh giá tính minh bạch của báo cáo tài chính dựa trên những góc độ trọng yếu, không phải tất cả, như ví dụ sau đây.
Trên thực tế, thậm chí top 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới như EY, Deloitte, KPMG, E&Y cũng đã từng vướng phải các vụ bê bối làm ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chẳng hạn như, trường hợp của PwC, bị Taylor Bean kiện do đã kiểm toán báo cáo tài chính của Colonial Bank nhưng không phát hiện ra các tài sản giả của Taylor Bean. Sai sót này, theo Taylor Bean, đã khiến họ thiệt hại hàng tỷ USD. Trước đó, công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán cho Taylor Bean là Deloitte đã phải chi một khoản tiền (không được tiết lộ) để hòa giải với Taylor Bean vì không phát hiện hành vi gian lận 3 tỷ USD của ngân hàng này. Nói cách khác, Taylor Bean đã được lợi 3 tỷ USD nhờ gian lận, sau đó lại tiếp tục muốn kiếm thêm tiền từ các bên vì không phát hiện ra gian lận của họ.
Vì vậy, nhà đầu tư vẫn xem xét, đánh giá kỹ lưỡng cả các yếu tố phi tài chính, bên cạnh báo cáo tài chính, để giảm thiểu tối đa rủi ro khi lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư. Ở Việt Nam, đây là top 10 đơn vị kiểm toán uy tín, đáng tin cậy cho nhà đầu tư.
3. Hướng dẫn cách đọc hiểu và phân tích bảng báo cáo tài chính công ty (doanh nghiệp)
3.1. Xem ý kiến của kiểm toán viên trong đọc báo cáo tài chính
Ví dụ:Xem Báo cáo kiểm toán độc lập về báo cáo tài chính của FPT
Trang 8 http://images1.cafef.vn/Images/Uploaded/DuLieuDownload/2020/FPT_20CN_BCTC_HNKT.pdf
Rất nhiều nhà đầu tư thường bỏ qua bước này, tuy nhiên, đây là bước cực kỳ quan trọng trong việc đọc hiểu báo cáo tài chính.
Để việc phân tích có hiệu quả thì số liệu sử dụng phải trung thực, hợp lý và khách quan. Do vậy, bạn cần xem xét ý kiến của kiểm toán viên sau khi thực hiện kiểm toán.
Nếu ý kiến của kiểm toán viên là chấp nhận toàn phần lúc đó số liệu mới được sử dụng trong phân tích tài chính mang lại hiệu quả cao nhất, hoặc ít nhất sẽ có độ tin cậy hơn so với việc chưa kiểm toán.
Có 4 loại ý kiến của kiểm toán viên thể hiện 4 mức độ chấp nhận với BCTC:
- Ý kiến chấp nhận toàn phần:
Khi KTV đưa ra ý kiếm kiểm toán là Chấp nhận toàn phần. Điều này có nghĩa BCTC đã phản ánh trung thực, hợp lý… Bạn có thể tin tưởng và sử dụng báo cáo cho việc phân tích. Vì nếu BCTC có sai sót đáng kể thì đã được KTV phát hiện và doanh nghiệp đã điều chỉnh theo đề nghị của KTV.
- Ý kiến ngoại trừ:
Khi Kiểm toán viên đưa ra “ý kiến kiểm toán ngoại trừ”, điều này có nghĩa là KTV chấp nhận báo cáo tài chính ngoại trừ một phần nào đó, cụ thể :
– Dựa trên các bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thích hợp đã thu thập được, kiểm toán viên kết luận là các sai sót, xét riêng lẻ hay tổng hợp lại, có ảnh hưởng trọng yếu nhưng không có ảnh hưởng lan tỏa đến các phần khác trong báo cáo tài chính; hoặc
– Kiểm toán viên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán, nhưng kiểm toán viên kết luận rằng những ảnh hưởng có thể có của các sai sót chưa được phát hiện (nếu có) có thể là trọng yếu nhưng không lan tỏa đến các phần khác trong báo cáo tài chính.
- Ý kiến không chấp nhận:
Khi Kiểm toán viên đưa ra ý kiến kiểm toán không chấp nhận ( hoặc ý kiến trái ngược) tức là cho rằng báo cáo tài chính (BCTC) của công ty đã không trình bày một cách trung thực, hợp lí xét trên các khía cạnh trọng yếu, vì vậy mà báo cáo tài chính này không được chấp nhận.
- Ý kiến từ chối.
Khi kiểm toán viên từ chối đưa ra ý kiến, điều này có nghĩa là đã có sự giới hạn về phạm vi kiểm toán mà trong đó, mức giới hạn là quan trọng để đưa ra ý kiến kiểm toán một cách trung thực, hợp lý.
Ví dụ như việc thiếu một lượng lớn các tài liệu thông tin tới mức kiểm toán viên không thể thu thập đầy đủ và thích hợp các bằng chứng Kiểm toán để đưa ra kết luận của mình về các báo cáo tài chính (BCTC) hoặc do bị giới hạn bởi Ban quản lí về những vấn đề cụ thể.
3.2. Cách đọc hiểu và phân tích, nhận xét bảng cân đối kế toán trong đọc báo cáo tài chính
B1: Liệt kê những mục lớn trong Tài sản – Nguồn vốn.
B2: Tính toán tỷ trọng các khoản mục này trong Tài sản và Nguồn vốn, và sự thay đổi của các khoản mục tại thời điểm báo cáo.
B3: Note lại những mục chiếm tỷ trọng lớn, hoặc có sự biến động lớn về mặt giá trị ở thời điểm báo cáo.
B4: Đọc song song với thuyết minh, tìm hiểu nguyên nhân đằng sau sự biến động lớn của các con số; kết hợp với các nguồn tài liệu từ google, tài liệu báo chí để giải thích sự khác biệt.
3.3. Cách đọc hiểu báo cáo kết quả kinh doanh
Bạn nên đọc kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong 5 năm gần nhất để đánh giá sự tăng trưởng có ổn định hay không, đồng thời cũng có thể phát hiện ra các vấn đề nằm sau các con số lợi nhuận.
- B1: Tách riêng doanh thu và chi phí.
- B2: Tính toán tỷ trọng của từng doanh thu trong Tổng doanh thu, tỷ trọng từng chi phí trong Tổng chi phí, và sự thay đổi của chúng so với cùng kỳ.
- B3: Quan sát sự thay đổi.
- B4: Đọc song song với thuyết minh, tìm hiểu nguyên nhân đằng sau sự biến động lớn của các con số; kết hợp với các nguồn tài liệu từ google, tài liệu báo chí để giải thích sự khác biệt.
3.4. Cách đọc hiểu báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ đã được trình bày thành 3 phần tương ứng với 3 dòng tiền: Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, Dòng tiền từ hoạt động đầu tư, và Dòng tiền từ hoạt động tài chính.
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh: là dòng tiền phát sinh trong quá trình thanh toán cho nhà cung cấp, khách hàng, cho người lao động, chi trả lãi vay, và nộp các khoản thuế cho nhà nước… Đây là lượng tiền mặt mà bản thân doanh nghiệp làm ra, chứ không phải từ việc huy động thêm vốn đầu tư hay vay nợ.
- Dòng tiền từ hoạt động đầu tư: bao gồm dòng tiền vào và dòng tiền ra có liên quan đến hoạt động đầu tư, mua sắm, thanh lý… tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác.
- Dòng tiền từ hoạt động tài chính sẽ liên quan đến việc tăng/giảm vốn chủ sở hữu (nhận vốn góp mới, thu từ phát hành cổ phiếu, trả cổ tức cho cổ đông…) và vay nợ (chi trả nợ gốc vay, hay vay nợ mới nhận được…)
Vậy nên, bạn chỉ cần xem xét lần lượt từng dòng tiền là được.
3.5. Cách đọc hiểu thuyết minh báo cáo tài chính
Tìm hiểu về doanh nghiệp
Bao gồm: đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp, kỳ kế toán, các chuẩn mực và chính sách kế toán mà doanh nghiệp áp dụng.
Ở phần này, bạn sẽ phải trả lời được những câu hỏi sau:
- Ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp là gì?
Bạn phải hiểu doanh nghiệp mà mình đang tìm hiểu đang hoạt động trong ngành nghề gì? Vì mỗi ngành nghề khác nhau, thì các con số trên BCTC sẽ có ý nghĩa khác nhau.
Ví dụ: Doanh nghiệp sản xuất sẽ phải đầu tư nhà xưởng, máy móc,… thì tài sản cố định sẽ lớn.
Trong khi, đối với một doanh nghiệp bán lẻ thì các khoản phải thu sẽ ít, và hàng tồn kho có thể cao.
- Doanh nghiệp hoạt động từ bao giờ? Việc này giúp bạn có thể hình dung được doanh nghiệp đang ở giai đoạn đầu, giữa hay cuối chu trình phát triển.
- Các chính sách kế toán, chuẩn mực kế toán doanh nghiệp đang áp dụng ra sao?
Những thông tin này, bạn hoàn toàn có thể tìm thấy ở đoạn đầu của Thuyết minh BCTC.
Trên đây là những bước cơ bản cần làm khi đọc hiểu BCĐKT. Tuy nhiên, để đọc hiểu và phát hiện những sai sót trên Báo cáo tài chính, hay nhận ra tiềm năng của doanh nghiệp, bạn cần được người có kinh nghiệm hướng dẫn thực hành và một cộng đồng để cùng nhau học hỏi.
Bạn có thể tham khảo khóa học tại Wikinvest để hiểu rõ hơn về Báo cáo tài chính !!
3.6. Các chỉ tiêu phân tích báo cáo tình hình tài chính công ty
Cơ cấu vốn và nguồn vốn
Khả năng thanh toán ngắn hạn, dài hạn
Khả năng sinh lời
Hiệu quả kinh doanh
Rủi ro tài chính
4. Cách xem và tải báo cáo tài chính của các công ty ở đâu
Nhà đầu tư có thể xem báo cáo tài chính tại các trang thông tin tài chính uy tín như Cafef, Vietstock, Fireant, bằng việc tìm tên mã cổ phiếu doanh nghiệp hoặc tìm trên google như sau. Sau đó bạn tiếp tục mở phần Tải BCTC và tải về BCTC theo năm, quý. Bạn nên xem báo cáo tài chính theo năm đã được kiểm toán để số liệu được đảm bảo nhất.
Hoặc bạn cũng có thể trực tiếp xem BCTC tại website của các công ty để cập nhật sớm nhất, trong phần Quan hệ cổ đông < Công bố thông tin < Báo cáo tài chính.
(Tài liệu tham khảo: Cafef.vn, Investopedia, Vietnambiz và Wikinvest tổng hợp một số tài liệu khác)