1. Chỉ số P/E (Price to Earning ratio) là gì?
P/E (Price to Earning ratio) là chỉ số đo lường mối quan hệ giữa giá thị trường và thu nhập của mỗi cổ phiếu. Trong đó, giá thị trường của cổ phiếu là giá mà tại đó cổ phiếu đang được mua bán ở thời điểm hiện tại; thu nhập của mỗi cổ phiếu EPS là phần lợi nhuận sau thuế mà công ty chia cho các cổ đông thường trong năm tài chính gần nhất. (tìm hiểu thêm về Cổ phiếu là gì )
2. Cách tính chỉ số PE
P/E = Price/ EPS = Giá thị trường của cổ phiếu / Thu nhập trên mỗi cổ phần
Chẳng hạn nếu giá cổ phiếu của Vinamilk (VNM) bán trên thị trường chứng khoán là 150.000 đồng và thu nhập của mỗi cổ phiếu là 7.500đ
Vậy P/E = 150.000 / 7.500 = 20
Con số P/E = 20 này nghĩa là, nhà đầu tư sẵn sàng trả 20 đồng cho mỗi 1 đồng lợi nhuận của Vinamilk kiếm được trong 1 năm.
Nếu Chỉ số PE giảm xuống còn 10 có nghĩa là nhà đầu tư chỉ trả 10 đồng cho mỗi 1 đồng lợi nhuận.
3. Ý nghĩa của chỉ số P/E
P/E cho thấy giá cổ phiếu hiện tại cao hơn thu nhập từ cổ phiếu đó bao nhiêu lần, hay nhà đầu tư phải trả giá cho một đồng thu nhập bao nhiêu.
CTCP FPT (HOSE: FPT) có P/E là 20,25. Điều đó có nghĩa nhà đầu tư chấp nhận bỏ ra 20,25 để hưởng 1 đồng lợi nhuận từ FPT.
Nếu hệ số P/E cao thì điều đó có nghĩa là người đầu tư dự kiến tốc độ tăng cổ tức cao trong tương lai; cổ phiếu có rủi ro thấp nên người đầu tư thỏa mãn với tỷ suất vốn hoá thị trường thấp; dự đoán công ty có tốc độ tăng trưởng trung bình và sẽ trả cổ tức cao.
4. Mối quan hệ của EPS và P/E
EPS là một chỉ số quan trọng cấu tạo nên chỉ số P/E (Price to Earning ratio), E trong P/E được hiểu là EPS. Nó thể hiện phần lợi nhuận mà doanh nghiệp phân bổ cho mỗi cổ phần đang lưu hành trên thị trường. Nó thể hiện khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp. (Tìm hiểu thêm về chỉ số EPS)
Sử dụng EPS để xác định chỉ số P/E trong hoạt động định giá
Bằng cách chia giá một cổ phần của công ty cho EPS của nó, một nhà đầu tư có thể thấy được giá trị của một cổ phiếu qua các kỳ, từ đó biết được thị trường sẵn sàng trả cho cổ phiếu ấy mức định giá là bao nhiêu.
Cụ thể:
Cổ phiếu CTD của CTCP Xây dựng Coteccons đang giao dịch với mức giá thị trường P = 143.400 đồng với EPS lũy kế là 19.260 (đồng/ cổ phiếu).
Tỷ lệ P/E đối với cổ phiếu CTD là: 143.400 (đồng)/ 19.260 (đồng/cổ phiếu) = 7.58
Điều đó có nghĩa để có được 1 đồng lợi nhuận từ cổ phiếu nhà đầu tư đang phải trả cho nó 7.58 đồng. Từ đó bạn có thể so sánh chỉ số P/E qua các thời kỳ hoặc so sánh với P/E của các doanh nghiệp khác cùng ngành để đánh giá một cách tương đối cổ phiếu đang đắt hay rẻ.
5. Xem nhanh chỉ số P/E
Hiện nay, các nhà đầu tư không cần thiết phải ngồi bấm máy tính để tìm ra chỉ số P/E. Bạn có thể xem nhanh chỉ số này ở các website như cafef.vn, vietstock.vn, Dstock.vndirect.com.vn.
Tuy nhiên, mỗi trang web sẽ có có độ lệch (không đáng kể) do cách cài đặt code tự động tính toán là khác nhau. Việc xem chỉ số P/E trên các website khá là tiện dụng, bạn có thể so sánh nhanh chỉ số P/E của các doanh nghiệp với các đối thủ cùng ngành.
Ví dụ chỉ số P/E của CTCP PAN Group (PAN) ở cafef.vn và vietstock.vn trong ngày 19/07/2021.
6. Chỉ số P/E như thế nào là tốt
6.1 Chỉ số P/E cao
Thông thường, chỉ số P/E cao thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư về việc tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai từ cổ phiếu đó. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Chỉ số P/E cao đôi khi là biểu hiện việc doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả (các chỉ số tài chính sẽ chỉ ra điều này rõ ràng hơn), khiến EPS thấp (thậm chí = 0) nên chỉ số P/E mới cao.
Chỉ số P/E của một doanh nghiệp hay ngành cao được thể hiện qua các yếu tố sau:
- Công ty đó có tốc độ tăng trưởng doanh thu vào lợi nhuận đều đặn liên tục trong vòng nhiều năm.
- Nhóm ngành luôn duy trì tốc độ tăng trưởng đều, không bị tác động, ảnh hưởng bởi yếu tố chu kỳ. Ví dụ như nhóm ngành điện, công nghệ thông tin,…
- Công ty có tỷ suất Biên lãi gộp cao và có sự tăng trưởng.
- Công ty trong ngành đó không có nhiều đối thủ cạnh tranh và thị phần luôn có sự gia tăng.
- Công ty thường xuyên trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ chia ở mức cao.
6.2 Chỉ số P/E thấp
Nhiều nhà đầu tư cho rằng sẽ tốt hơn khi mua cổ phiếu của công ty có chỉ số P/E thấp, bởi sẽ phải trả ít hơn cho mỗi lợi nhuận nhận được. Theo nghĩa đó, P/E thấp khiến cổ phiếu đó trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư đang tìm kiếm một món hời. Tuy nhiên, P/E thấp có thể do doanh nghiệp thu được khoản lợi nhuận bất thường (từ thanh lý tài sản, hay bán công ty con…). Nhưng khoản lợi nhuận này sẽ không bền vững do chúng không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi và không lặp lại trong tương lai.
Hoặc do các cổ đông hiện hữu không còn thấy khả năng phát triển của doanh nghiệp, nên quyết định bán chốt lời khiến giá cổ phiếu giảm dẫn tới P/E thấp. Nói chung có rất nhiều lý do để doanh nghiệp có chỉ số P/E thấp ở một thời điểm.
Thường chỉ số P/E của một doanh nghiệp hay một ngành thấp được thể hiện qua các yếu tố sau:
- Nhóm ngành không duy trì được tốc độ tăng trưởng đều qua các năm. Bị ảnh hưởng bởi yếu tố chu kỳ kinh doanh và cung cầu thay đổi thường xuyên.
- Lợi nhuận của công ty đến chủ yếu từ doanh thu tài chính hay thu nhập bất thường , không có tính ổn định.
- Công ty có tỷ suất Biên lãi gộp thấp.
- Công ty trong ngành đó liên tục mất thị phần vào các đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
- Công ty thường xuyên chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, nhưng lại hoạt động kém hiệu quả.
6.3 Vậy chỉ số PE như thế nào sẽ là tốt?
Rất khó để nói chỉ số P/E như nào sẽ là tốt. Như phân tích ở trên chỉ số P/E hiện tại cao hay thấp không có nhiều ý nghĩa nếu đứng một mình. Trên thực tế, điều quan trọng là phải hiểu được chỉ số P/E của một công ty. Nó cần được đem ra so sánh với P/E toàn ngành cũng như với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và thu nhập dự kiến của công ty.
7. Ví dụ minh họa về chỉ số P/E
7.1 So sánh tỷ lệ P/E của công ty qua các năm.
So sánh giá trị P/E của doanh nghiệp với các năm trước cũng là một cách để thấy được tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong năm qua như thế nào, có hiệu quả không. Cũng như xem định giá cổ phiếu có bị quá cao so hay quá thấp so với thực chất của doanh nghiệp hay không.
Chẳng hạn chỉ số P/E của HPG từ năm 2017 đến năm 2020 có sự thay đổi qua các năm nhưng không quá lớn.
7.2 So sánh tỷ lệ P/E với các công ty khác trong ngành.
Dưới đây là bảng so sánh P/E của HPG (CTCP Tập đoàn Hòa Phát) với các doanh nghiệp cùng ngành.
Sau khi quan sát, nhìn chung chỉ số P/E của HPG không quá cao hay quá thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành. Chỉ số P/E của DTL và POM đang ở mức quá cao so với những công ty cùng ngành, gây ảnh hưởng đến việc định giá cổ phiếu của 2 doanh nghiệp này.
8. Định giá cổ phiếu theo phương pháp P/E
Chỉ số P/E là một trong những công cụ phân tích cổ phiếu được các nhà đầu tư và các nhà phân tích sử dụng rộng rãi nhất để xác định giá cổ phiếu. Hầu hết các nhà đầu tư và CTCK sẽ áp dụng chỉ số P/E để xác định giá trị doanh nghiệp theo cách sau:
Bước 1: So sánh chỉ số P/E của các doanh nghiệp cùng ngành trong một khu vực lãnh thổ.
Bước 2: So sánh với chỉ số P/E trung bình ngành.
Bước 3: Kết quả của phép nhân giữa P/E (ngành) và EPS (dự phóng) là giá trị (tuyệt đối) của cổ phiếu đó.
Tuy nhiên, có một nhược điểm khi có sóng ngành xảy ra chỉ số P/E trung bình ngành rất khó có thể xác định chính xác. Ngoài ra, việc so sánh tương đối các doanh nghiệp khác với nhau dễ đem đến một tư duy “chệch” vì cấu trúc vốn của mỗi doanh nghiệp là khác nhau, mức độ rủi ro cũng như lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp cũng khác nhau.
9. Hạn chế của phương pháp tính P/E
- Rủi ro về bảng cân đối kế toán không tính đến: Có nghĩa, bảng cân đối kế toán không phản ánh chính xác một số chỉ tiêu dẫn đến chỉ số PE không được phản ánh đúng như thực tế.
- Dòng tiền trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh không được tính vào PE: Dòng tiền từ Hoạt động kinh doanh, Dòng tiền từ hoạt động đầu tư và Dòng tiền từ hoạt động tài chính không được phản ánh trong chỉ số này.
- Chỉ có thể so sánh chỉ số PE với các doanh nghiệp cùng ngành: Định giá cổ phiếu và tốc độ tăng trưởng của các công ty ở từng lĩnh vực thường khác nhau. Không thể so sánh PE của một công ty sản xuất với một công ty tài chính khi vốn của doanh nghiệp và cách thức hoạt động kinh doanh của hai doanh nghiệp này là khác nhau. Vì vậy, chỉ nên sử dụng P / E như một công cụ so sánh khi xem xét các công ty trong cùng ngành.
- Cơ cấu nợ trên vốn chủ sở hữu khác nhau: Điều này, có thể có ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập của công ty. Thu nhập có thể rất khác nhau đối với các công ty có nợ do một phần của Khoản thanh toán lãi vay ảnh hưởng đến chỉ số EPS.
- Công ty không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận âm: Khi doanh nghiệp không có thu nhập hoặc thu nhập âm sẽ là một thách thức khi tính P/E. Đồng thời cũng có thể bỏ qua cổ phiếu tiềm năng khi chỉ dựa vào PE để đanh giá.
10. Lưu ý về chỉ số P/E
P/E chỉ mang tính chất tương đối, vây nên:
- Cần đánh giá chỉ số P/E tương quan với các chỉ số và các yếu tố khác.
- Sử dụng phương pháp so sánh tương đối (Relative PE) để có cái nhìn tổng quan về thị trường.
- Không nên sử dụng P/E là nhân tố chính để quyết định mua bán cổ phiếu nếu không sẽ có thể bỏ lỡ mất cổ phiếu tiềm năng tăng trường trong tương lai.