1. Chỉ số ROIC là gì?
Tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư (tiếng anh, Return on invested capital, viết tắt ROIC), hay còn gọi là tỷ số hoàn vốn, là một chỉ số tài chính cho biết một công ty sử dụng tiền của mình để tạo ra lợi nhuận tốt như thế nào. Bằng việc so sánh lợi tức đầu tư của một công ty với chi phí vốn bình quân gia quyền (WACC) cho thấy liệu vốn đầu tư có được sử dụng hiệu quả hay không.
2. Công thức tính ROIC
ROIC = Lợi nhuận sau thuế / Vốn đầu tư
Trong đó vốn đầu tư ở đây gồm: Vốn chủ sở hữu và nợ phải trả.
3. Ý nghĩa của chỉ số ROIC
Tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư (ROIC) đánh giá hiệu quả của một công ty trong việc phân bổ vốn dưới sự kiểm soát của mình cho các khoản đầu tư hoặc dự án sinh lời. Tỷ số ROIC cho biết một công ty đang sử dụng số tiền huy động được từ bên ngoài tốt như thế nào để tạo ra lợi nhuận. So sánh lợi tức vốn đầu tư của một công ty với chi phí sử dụng vốn bình quân gia quyền (WACC) cho thấy liệu vốn đầu tư có đang được sử dụng hiệu quả hay không.
4. Chỉ số ROIC bao nhiêu là tốt?
Do mỗi doanh nghiệp kinh doanh ở những ngành nghề khác nhau, những tiêu chuẩn kinh doanh khác nhau thì sẽ có giới hạn ROIC chấp nhận được là khác nhau. Do đó, để biết được ROIC bao nhiêu là tốt rất khó.
Tuy nhiên, để đánh giá được chỉ số ROIC tốt hay không, các doanh nghiệp cũng thường so sánh với chỉ số WACC – chi phí bình quân sử dụng vốn, theo đó:
- ROIC > WACC: Chi phí sử dụng cho dự án thấp hơn lợi nhuận mà lợi nhuận mà dự án mang về. Lúc này, doanh nghiệp đang tạo ra giá trị tốt cho các cổ đông
- ROIC < WACC: Chi phí sử dụng cho dự án cao hơn lợi nhuận mà lợi nhuận mà dự án mang về. Lúc này, giá trị cổ đông đang giảm xuống.
Một cách khác nữa, doanh nghiệp có thể xem mức độ chỉ số ROIC = 10% là điều kiện tối thiểu để đánh giá một doanh nghiệp đang hoạt động có tăng trưởng. Nếu thấy chỉ số ROIC tăng liên tục theo từng năm và luôn ở trên mức 10% thì có thể đầu tư.
Xem thêm bài viết : WACC
5. Sự khác biệt giữa ROIC và ROE
ROE = Lợi nhuận sau thuế / Vốn chủ sở hữu
Trong khi đó, ROIC = Lợi nhuận sau thuế / (Vốn chủ sở hữu + Nợ phải trả).
Nhìn vào cách tính thì chỉ khác biệt đôi chút ở mẫu số. Nhưng thực tế ROIC lại phản ánh chính xác và đầy đủ hơn so với chỉ số ROE. Đặc biệt là với những doanh nghiệp tăng trưởng bằng nợ vay.
Cụ thể ai cũng biết ROE là tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu hay nói cách khác 1 đồng vốn tự có bỏ ra (không vay mượn) thì thu được bao nhiêu đồng lời. Còn khi tính ROIC, là tính cả vốn chủ sở hữu và nợ vay, việc này giúp chúng ta loại trừ đi những doanh nghiệp dùng đòn bẩy nợ quá cao – vốn khá rủi ro.
Nếu một công ty đã và đang vay nợ rất nhiều, nó có thể làm tăng ROE bởi vì vốn chủ sở hữu là bằng tài sản trừ đi nợ. Công ty càng vay nhiều nợ, vốn chủ sở hữu càng thấp. Việc này sẽ làm thổi phồng chỉ số ROE, nhưng ROIC thì khác.
Xem thêm bài viết: ROE
6. Một số lưu ý khi phân tích chỉ số ROIC
(1) ROIC chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh về doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có ROIC thấp trong quá khứ nhưng có lợi thế và tiềm năng tăng trưởng trong tương lai sẽ khiến giá cổ phiếu “thăng hoa”.
(2) ROIC có phần tử số – return hay còn gọi là LNST, thứ dễ bị tác động nhất bởi thủ thuật kế toán, các khoản lợi nhuận bất thường đến từ thanh lý tài sản/thoái vốn. Các doanh nghiệp bất động sản và kinh doanh đa ngành là những trường hợp dễ bóp méo LNST nhất. Tốt nhất bạn nên dành chút công sức để loại trừ các khoản lợi nhuận bất thường trước khi tính toán ROIC.
(3) Bạn hãy nhìn vào mẫu số – tức cơ cấu vốn đầu tư của ROIC. So sánh tỷ lệ giữa vốn chủ sở hữu/ (nợ vay ngắn hạn + nợ vay dài hạn) để đánh giá mức độ rủi ro trong trường hợp doanh nghiệp gặp biến động tiêu cực. Thường thì cơ cấu vốn cũng phụ thuộc vào lĩnh vực hoạt động, các doanh nghiệp bán lẻ chủ yếu vay nợ ngắn hạn, áp lực trả nợ cao. Ngược lại, doanh nghiệp bất động sản thường vay nợ dài hạn, áp lực trả nợ thấp hơn.
(4) Chỉ số ROIC cao hay thấp còn phụ thuộc vào lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Cổ phiếu bán lẻ có ROIC rất cao, điển hình là MWG và PNJ. Vì vậy, không nên so sánh ROIC của các cổ phiếu có lĩnh vực khác nhau.
(5) Sử dụng ROIC khi phân tích các doanh nghiệp nhiều nợ vay – đồng thời kiểm tra xu hướng ROA qua nhiều năm xem có bền vững hay không.
7. Ví dụ về chỉ số ROIC
CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) luôn giữ được mức ROIC ấn tượng, dù có sụt giảm từ 2017-2020 nhưng vẫn trên 15%, đáp ứng tiêu chí > 10% mà chúng ta đặt ra ở trên.
Tiếp theo, chúng ta sẽ nhìn vào bức tranh về vay nợ của PNJ.
Năm 2018-2019, dòng tiền của PNJ có thời điểm âm (tiền thu vào < tiền chi ra) do liên tục mở rộng hệ thống cửa hàng bán lẻ, gia tăng hàng tồn kho nên PNJ đã phải bù đắp dòng tiền thông qua hoạt động vay nợ ngắn hạn bằng việc thế chấp hàng tồn kho. Khá đen đủi cho PNJ khi 2020 lại là năm của bệnh dịch Covid-19, người dân thắt chặt chi tiêu cho những món hàng trang sức có mức giá đắt đỏ (trung bình giá sản phẩm/đơn hàng của PNJ ~ 1000 USD).
Như vậy, việc vay nợ cao trong năm 2018-2019 để làm nền tảng cho năm 2020 đã không phát huy tác dụng – LNST 2020 còn thấp hơn so với 2019. Áp lực trả nợ ngắn hạn luôn là mối hiểm nguy nếu doanh thu và lợi nhuận tương lai không như dự tính của doanh nghiệp (!)
Một điểm đáng lo ngại khác là vòng quay hàng tồn kho giảm dần, từ mức 2.91 (2017) xuống 2.07 (2020), chiếm đến hơn 75% tổng tài sản. Song do hàng tồn kho của PNJ hầu hết là vàng, đá quý, kim cương nên rủi ro mất giá và mất thanh khoản là thấp. Nhìn chung, các hãng trang sức (tính toàn thế giới) đều có vòng quay tồn kho kém, chiếm tỷ trọng cao nên mức này của PNJ tuy không hoàn hảo nhưng tương đối ổn.
Tuy nhiên như đã nói ở trên, ROIC hay những con số tài chính chỉ nói lên một phần trong toàn cảnh doanh nghiệp. PNJ sở hữu năng lực cạnh tranh mà những con số không thể hiện được:
(1) Không như hầu hết các hãng bán lẻ trang sức khác, PNJ có xưởng kim hoàn tự sản xuất vàng trang sức, sau đó mở chuỗi bán lẻ để phát triển chuỗi giá trị của mình theo chiều dọc. 90% lợi nhuận gộp của PNJ đến từ vàng trang sức (bao gồm đá quý, kim cương đính kèm), còn lại 6%-7% từ bạc & vàng miếng. Lợi nhuận của ngách vàng trang sức lớn hơn vàng miếng rất nhiều.
(2) Thương hiệu PNJ 30 năm lịch sử uy tín, đội ngũ chế tác kim hoàn hàng đầu Việt Nam nên PNJ có quyền áp mức giá cao cho sản phẩm mà khách hàng vẫn không cảm thấy phiền lòng. Điều này giúp duy trì ROE cao.
(3) Thị phần của PNJ trong mảng trang sức chỉ mới chiếm khoảng 20%, dư địa để gia tăng thị phần vẫn còn rất lớn, miễn là PNJ triển khai các dòng sản phẩm giá rẻ.
(4) Nếu thương mại điện tử phát triển, PNJ vẫn có thể đẩy sản phẩm của mình lên kênh online. Các cửa hàng bán lẻ vẫn có đất sống do trang sức có giá trị cao, khách hàng sẽ đòi hỏi thẩm mĩ, sự trải nghiệm, dịch vụ, chính sách bảo hành tại cửa hàng.
(5) Ban lãnh đạo của PNJ nổi tiếng là có năng lực và tầm nhìn tuyệt vời.
Tóm lại, PNJ là cổ phiếu đáng mua, nhưng mua ở mức giá nào thì có lẽ phụ thuộc vào khả năng định giá cổ phiếu và mức biên an toàn bạn đặt ra.