1. GDP là gì?
1.1. GDP là viết tắt của từ gì? Khái niệm GDP?
GDP là gì? đây là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Gross Domestic Product, có nghĩa là tổng sản phẩm nội địa hay tổng sản phẩm quốc nội. Đây là một chỉ tiêu dùng để đo lường tổng giá trị thị trường của tất cả các hàng hoá và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một lãnh thổ quốc gia trong một thời kỳ nhất định (thường là 1 năm hoặc 1 quý).
1.2. Tốc độ tăng trưởng GDP (Gross domestic product) là gì?
Chúng ta thường nghe trên báo đài về tốc độ tăng trưởng GDP, chẳng hạn như “Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 6,5-7%/năm”. Vậy tốc độ tăng trưởng của GDP của một quốc gia thể hiện tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế nước đó.
1.3. GDP tác động đến thị trường chứng khoán như thế nào?
Thị trường chứng khoán được xem là phong vũ biểu của nền kinh tế bởi vì thị trường sẽ phản ánh khá nhanh nhạy sức khỏe của nền kinh tế. Khi nền kinh tế có sức tăng trưởng thì thị trường chứng khoán sẽ phát triển theo và thông thường thị trường sẽ phản ứng sớm hơn. Một số ngành nhạy với chu kỳ tăng trưởng sẽ có sự phát triển trước.
Chúng ta hãy cùng xem xét sự tác động của GDP đến thị trường chứng khoán. Khi nền kinh tế phát triển, thông thường sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn, thu nhập/ đầu người cao . Lúc này, người dân sẽ tiêu dùng nhiều hơn, nhu cầu hàng hóa, dịch vụ sẽ gia tăng theo thúc đẩy sản xuất phát triển, doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng, nhu cầu đầu tư vào các doanh nghiệp này sẽ gia tăng. Từ đó, thị trường chứng khoán sẽ phát triển.
Ở một khía cạnh tổng quát hơn, chúng ta hãy giả sử nền kinh tế hiện tại có 3 đối tượng chính là hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ. Khi nền kinh tế tăng trưởng, hộ gia đình sẽ có thu nhập/ đầu người cao hơn, họ sẽ sẵn sàng chi tiêu hơn, thúc đẩy thị trường sản xuất phát triển và thị trường chứng khoán phát triển. Ngoài ra, đối với doanh nghiệp, khi sản lượng tiêu thụ gia tăng theo nhu cầu của hộ gia đình, doanh nghiệp sẽ có xu hướng mở rộng đầu tư, để tận dụng xu hướng ở trên. Như vậy, doanh nghiệp sẽ gia tăng doanh thu và lợi nhuận và qua đó, phát triển thị trường chứng khoán. Ở khía cạnh của chính phủ, thuế thu được sẽ gia tăng theo lợi nhuận của doanh nghiệp, ngân sách nhà nước sẽ được gia tăng, chính phủ sẽ có nguồn lực để đầu tư và mở rộng chi tiêu công. Tất cả những điều này sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển.
Một ví dụ điển hình về tác động của GDP đến nền kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng : giai đoạn 2006-2007 khi Việt Nam có GDP tăng trưởng mức cao (8,5%/năm) và chúng ta có những năm chứng khoán gia tăng mạnh mẽ . Giai đoạn 2008-2009, GDP bắt đầu thấp kỷ lục và chứng khoán giảm sốc. Năm 2015 , GDP bắt đầu tăng lại.
2. Công thức, phương pháp tính GDP
2.1. GDP được tính như thế nào?
Có 3 cách được tính GDP thông dụng :
- Phương pháp chi tiêu
- Phương pháp thu nhập
- Phương pháp giá trị gia tăng
Trong đó phổ biến nhất là phương pháp chi tiêu. Hãy tưởng tượng nền kinh tế hộ gia đình, hộ doanh nghiệp và cả nước. Cả 3 khu vực này đều cần chi tiêu, chẳng hạn như là hộ gia đình cần mua giày, doanh nghiệp cần mua dây chuyền sản xuất giày và nhà nước cần mua điện để cung ứng cho nền kinh tế sản xuất giày . Nền kinh tế có 3 luồng chi tiêu đó là:
- Chi tiêu hộ gia đình – C: Consumption
- Chi tiêu doanh nghiệp – I: Investment
- Chi tiêu chính phủ – G : Government
Ngoài ra chúng ta còn có các chi tiêu của nước ngoài đối với các sản phẩm trong nước, ví dụ:
X: Xuất khẩu nếu chúng ta sản xuất giày
M: Nhập khẩp ví dụ giày nhập khẩu từ Mỹ thì sẽ phải loại trừ ra khỏi GDP
Do đó, công thức GDP được tính bằng: GDP = C + I + G + X – M. Đây là cách hiểu đơn giản nhất về GDP về mặt kinh tế
2.2. Cách tính, so sánh GDP danh nghĩa và GDP thực tế của Việt Nam
GDP thực tế và GDP danh nghĩa khác nhau thế nào?
Chỉ số GDP thực tế sẽ thể hiện một cách chính xác hơn về tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Dữ liệu từ GDP thực tế sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách kinh tế dùng để lập kế hoạch cho ngân hàng trung ương Quốc gia.
Lạm phát dương: GDP thực tế < GDP danh nghĩa.
Lạm phát âm: GDP thực tế > GDP danh nghĩa.
Vì GDP danh nghĩa được tính bằng giá ở thời điểm hiện tại không phải loại trừ đi giảm hay lạm phát làm cho việc tính toán và phân tích GDP đơn giản hơn rất nhiều.
Nếu GDP thực không điều chỉnh theo chỉ số lạm phát thì khi lạm phát dương sẽ làm tăng đáng kể GDP danh nghĩa.
Cách tính GDP thực tế
Tính GDP thực là một quá trình phức tạp và thường được Tổng cục thống kê Việt Nam cung cấp. Nhìn chung, việc tính GDP thực được thực hiện bằng cách lấy GDP danh nghĩa chia cho hệ số giảm phát GDP:
GDP thực = GDP danh nghĩa / Hệ số giảm phát GDP
Ví dụ: nếu giá của một nền kinh tế đã tăng 1% kể từ năm gốc, thì hệ số giảm phát là: 1 + 1%= 1.01
Nếu GDP danh nghĩa là $1.000.000, thì GDP thực được tính là:
GDP thực = $1.000.000 / 1.01 = $990.099
Khi GDP danh nghĩa cao hơn GDP thực, lạm phát đang xảy ra và khi GDP thực cao hơn GDP danh nghĩa thì giảm phát đang xảy ra đối với nền kinh tế.
3. Ý nghĩa của chỉ số GDP đối với một quốc gia là gì?
Đối với một quốc gia, chỉ số GDP có ý nghĩa rất lớn. Theo đó:
GDP là thước đo để đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia và thể hiện sự biến động của sản phẩm/dịch vụ theo thời gian.
Sự suy giảm chỉ số GDP sẽ có tác động xấu đến nền kinh tế và có thể dẫn đến các tình trạng kinh tế suy thoái, lạm phát, thất nghiệp, đồng tiền mất giá… Đây là các tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân.
Chỉ số GDP bình quân đầu người sẽ cho bạn biết mức thu nhập tương đối cũng như chất lượng sống của người dân ở mỗi quốc gia.
4. Các câu hỏi thường gặp về chỉ số GDP
4.1. Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Chỉ Số GDP
3 yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số GDP là:
Dân số: GDP và dân số có mối quan hệ qua lại, căn cứ vào dân số để tính GDP bình quân đầu người. Dân số chính là lực lượng lao động tạo ra vật chất và cũng là đối tượng tiêu thụ sản phẩm – dịch vụ.
FDI: Chỉ số đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI cũng tác động đến chỉ số GDP. Hình thức đầu tư dài hạn của nước ngoài bao gồm tiền bạc, vật chất, cơ sở hạ tầng, phương tiện sản xuất…
Lạm phát: Lạm phát là sự mất giá trị của tiền tệ, giá cả leo thang, tăng lên liên tục theo thời gian. Lạm phát tăng quá mức sẽ dẫn tới việc khủng hoảng kinh tế nhưng bị ngộ nhận là GDP tăng.
4.2. Hạn chế của GDP
GDP được đưa ra dựa trên dữ liệu chính thức thống kê được. Vì vậy, nó không tính đến, không định lượng được giá trị của các hoạt động kinh tế phi chính thức như: việc làm ngoài giấy tờ, hoạt động thị trường chợ đen, công việc tình nguyện và sản xuất hộ gia đình.
GDP không tính đến lợi nhuận kiếm được trong một quốc gia bởi các công ty nước ngoài được gửi lại cho các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này có thể vượt quá sản lượng kinh tế thực tế của một quốc gia.
GDP chỉ xem xét sản xuất hàng hóa cuối cùng và đầu tư vốn mới mà bỏ qua hoạt động giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp thông qua các hoạt động chi tiêu và giao dịch trung gian giữa các doanh nghiệp.
Sự tăng trưởng GDP không thể đo lường chính xác sự phát triển của một quốc gia hay sức khỏe của đời sống công dân trong quốc gia đó. Đó là vì GDP chỉ nhấn mạnh đến sản lượng vật chất mà không xem xét đến thực trạng phát triển tổng thể của một quốc gia.
4.3. Sự khác nhau giữa GDP và GNP
GDP: Là tổng sản phẩm quốc nội hay tổng sản phẩm nội địa (trong nước). Có nghĩa là toàn bộ giá trị được các thành phần kinh tế hoạt động trong lãnh thổ của quốc gia đó sản xuất ra trong khoảng thời gian cụ thể nhất định. Giá trị này có thể được tạo ra bởi các công ty nước ngoài hay trong nước, miễn là thuộc lãnh thổ của quốc gia đó.
GNP: Là tổng sản lượng quốc gia (trong & ngoài nước). Có nghĩa là toàn bộ giá trị được công dân mang quốc tịch nước đó sản xuất ra trong khoảng thời gian cụ thể, không kể làm ra ở đâu (tính cả nguồn thu từ ngoài đất nước của công dân mang quốc tịch nước đó).
4.4. GDP Bình Quân Đầu Người Là Gì?
GDP bình quân đầu người (GDP per capita) chính là chỉ tiêu thống kê kinh tế thể hiện kết quả sản xuất kinh doanh tính bình quân trên đầu người của một đất nước trong một năm. Để tính được GDP bình quân đầu người của một quốc gia tại một thời điểm cụ thể, ta sẽ chia GDP của quốc gia tại thời điểm đó cho tổng số dân của quốc gia cũng tại thời điểm đó.
(Tài liệu tham khảo: Wikipedia, the bank.vn và Wikinvest tổng hợp)