1. Tỷ giá đối hoái là gì
Tỷ giá hối đoái (Exchange Rate) hay còn được gọi là tỷ giá trao đổi ngoại tệ hoặc đôi khi gọi tắt là tỷ giá. Đây là thuật ngữ dùng để chỉ tỷ giá giữa hai tiền tệ mà tại đó một đồng tiền này sẽ được trao đổi cho một đồng tiền khác. Đơn giản hơn thì đây chính là số lượng của đơn vị tiền tệ cần thiết để bạn mua một đơn vị ngoại tệ.
Riêng ở Mỹ và Anh thì thuật ngữ này được sử dụng theo nghĩa ngược lại: Số lượng đơn vị ngoại tệ (nước ngoài) cần thiết để mua một đồng Đô la hoặc một đồng bảng Anh.
Căn cứ theo luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (năm 1997) định nghĩa tỷ giá hối đoái là tỷ lệ giữa giá trị của đồng Việt và đồng tiền nước ngoài. Tỷ lệ này sẽ có sự tham gia điều tiết của Nhà Nước và do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định cũng như công bố.
Ví dụ: một tỷ giá hối đoái liên ngân hàng của yên Nhật (JPY, ¥) với đô la Hoa Kỳ (US$) là 91 có nghĩa là 91 Yên sẽ được trao đổi cho 1 USD hoặc 1 USD sẽ đổi được 91 Yên.
Hay tỷ giá 1 USD/VND = 22.759 hay 1USD = 22.759 VND.
Trong đó:
- Đồng tiền đứng trước: Đồng tiền yết giá.
- Đồng tiền đứng sau: Đồng tiền định giá.
2. Các loại tỷ giá hối đoái
2.1. Căn cứ vào đối tượng
Có 2 loại tỷ giá hối đoái như sau:
Tỷ giá chính thức: Là tỷ giá do Ngân hàng trung ương của chính nước đó xác định. Các tổ chức tín dụng và các ngân hàng thương mại sẽ dựa vào cơ sở trên để xác định tỷ giá dùng để mua – bán ngoại tệ giao ngay, có kỳ hạn, hoán đổi.
Tỷ giá thị trường: Là tỷ giá được hình thành trên cơ sở quan hệ cung – cầu trên thị trường hối đoái.
2.2. Căn cứ vào phương thức chuyển ngoại hối
Căn cứ vào phương thức chuyển ngoại hối, có thể chia làm 2 loại:
Tỷ giá điện hối: Là tỷ giá thường được niêm yết tại ngân hàng và được chuyển ngoại hối bằng bảng điện tử. Đây là tỷ giá cơ sở để xác định các loại tỷ giá khác.
Tỷ giá thư hối: Tức là tỷ giá chuyển ngoại hối thông qua thư. Tỷ giá điện hối thường cao hơn tỷ giá thư hối.
2.3. Căn cứ vào thời điểm giao dịch ngoại hối
Có thể chia thành 2 loại như sau:
Tỷ giá mua: Tỷ giá của bên ngân hàng hàng mua niêm yết tại thời điểm giao dịch.
Tỷ giá bán: Tỷ giá ngân hàng niêm yết tại thời điểm bán ra.
Lưu ý: Tỷ giá mua vào bao giờ cũng thấp hơn tỷ giá bán ra. Khoản chênh lệch của điều này sẽ được xem là lợi nhuận kinh doanh ngoại hối.
2.4. Căn cứ vào kỳ hạn thanh toán
Dựa trên kỳ hạn thanh toán, có thể chia làm 2 loại sau:
Tỷ giá giao dịch kỳ hạn (FORWARDS): Là tỷ giá giao dịch do tổ chức tín dụng tự tính toán và thỏa thuận với nhau nhưng phải đảm bảo trong biên độ quy định về tỷ giá kỳ hạn hiện hành của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm ký hợp đồng.
Tỷ giá giao ngay (SPOT): Là tỷ giá do tổ chức tín dụng yết giá tại thời điểm giao dịch hoặc do hai bên thỏa thuận trong đó phải đảm bảo trong biểu độ do ngân hàng nhà nước quy định. Việc thanh toán giữa các bên phải được thực hiện trong vòng hai ngày làm việc tiếp theo, sau ngày cam kết mua hoặc bán.
2.5. Căn cứ vào giá trị tỷ giá
Căn cứ vào giá trị của tỷ giá được chia làm 2 loại:
Tỷ giá hối đoái thực: Là tỷ giá có dự tính tác động của lạm phát, sức mua và tiêu thụ hàng hóa trong nước cũng như giá cả hàng hóa tương quan có thể bán ra nước ngoài. Chính những yếu tố này giúp tỷ giá hối đoái thực trở thành tỷ giá đại diện cho mức độ cạnh tranh quốc tế của tiền tệ quốc gia.
Tỷ giá hối đoái danh nghĩa: Là tỷ giá của một loại tiền tệ được biểu hiện theo giá hiện tại, không tính đến bất kỳ ảnh hưởng nào của lạm phát.
2.6. Tỷ giá hối đoái song phương
Tỷ giá hối đoái song phương (Bilateral Exchange Rate) được hiểu là tỷ lệ giá trị đồng tiền của 2 quốc gia mà chưa đề cập đến lạm phát giữa hai nước.
- Nếu NEER > 1 thì đồng tiền được xem là giảm giá (mất giá) đối với tất cả đồng tiền còn lại.
- Nếu NEER < 1 thì đồng tiền được xem là lên giá (được giá) đối với tất cả đồng tiền còn lại.
2.7. Tỷ giá hối đoái hiệu dụng
Tỷ giá hối đoái hiệu dụng (NEER–Nominal Efective Exchange rate) hay còn gọi là tỷ giá danh nghĩa đa phương hay tỷ giá danh nghĩa hiệu dụng. Thực chất NEER là một chỉ số chứ không phải là tỷ giá, là chỉ số trung bình của một đồng tiền so với đồng tiền còn lại.
3. Các loại chế độ tỷ giá hối đoái
Chế độ tỷ giá hối đoái là cách thức một đất nước quản lý đồng tiền của mình liên quan đến các đồng tiền nước ngoài và quản lý thị trường ngoại hối. Chế độ ở mỗi nước và mỗi thời kỳ có thể khác nhau. Trong đó, có 3 chế độ tỷ giá chính là:
3.1. Tỷ giá thả nổi
Chính sách tỷ giá thả nổi hay còn được gọi là tỷ giá linh hoạt. Đây là một chế độ mà trong đó giá trị đồng tiền của 1 quốc gia nào đó được phép dao động trên thị trường ngoại hối. Đồng tiền lúc này được gọi là một đồng tiền thả nổi.
Các nhà kinh tế đều cho rằng, trong phần lớn trường hợp, chế độ tỷ giá thả nổi tốt hơn chế độ tỷ giá cố định bởi vì tỷ giá thả nổi nhạy với thị trường ngoại hối. Điều này cho phép làm dịu tác động của các cú sốc và chu kỳ kinh doanh nước ngoài. Thêm vào đó, nó không bóp méo các hoạt động kinh tế.
3.2. Tỷ giá cố định
Tỷ giá hối đoái cố định hay còn được gọi là tỷ giá hối đoái neo. Đây là một kiểu mà giá trị của đồng tiền này được gắn liền với giá trị của đồng tiền khác. Đôi khi nó sẽ được gắn với một thước đo về giá trị khác chẳng hạn vàng.
Khi giá trị tham khảo tăng hoặc giảm, thì giá trị của đồng tiền neo vào cũng tăng hoặc giảm. Đồng tiền sử dụng chế độ tỷ giá hối đoái cố định gọi là đồng tiền cố định. Tỷ giá hối đoái cố định là một lựa chọn chế độ tỷ giá ngược hoàn toàn với tỷ giá hốiđoái thả nổi.
3.3. Tỷ giá thả nổi có điều tiết
Chế độ tỷ giá thả nổi có điều tiết là một chế độ mà trong đó tỷ giá hối đoái sẽ nằm giữa hai chế độ là cố định và thả nổi. Tỷ giá này có thể linh hoạt đáp ứng được những yêu cầu tỷ giá trong thời điểm giao dịch. Tuy nhiên, nó cũng sẽ được chính phủ can thiệp để đảm bảo nó không hoàn toàn phụ thuộc vào phản ứng thị trường.
4. Phương pháp xác định tỷ giá hối đoái
4.1. Phương pháp tính tỷ giá chéo giữa 2 đồng tiền định giá
Tỷ giá chéo giữa 2 đồng tiền định giá được tính bằng cách lấy tỷ giá của đồng tiền yết giá chia cho tỷ giá của đồng tiền định giá.
4.2. Phương pháp tính tỷ giá chéo giữa 2 đồng tiền yết giá
Tỷ giá chéo giữa 2 đồng tiền yết giá được tính bằng cách lấy tỷ giá của đồng tiền định giá chia cho tỷ giá của đồng tiền yết giá.
4.3. Phương pháp tính tỷ giá chéo giữa đồng tiền yết giá và đồng tiền định giá
Tỷ giá chéo giữa một đồng tiền nằm yết giá và một đồng tiền nằm định giá được tính bằng cách lấy tỷ giá của đồng tiền yết giá nhân với tỷ giá đồng tiền định giá.
5. Các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái là gì?
5.1. Yếu tố lạm phát
Sự thay đổi lạm phát trong nước sẽ tác động đến hoạt động thương mại quốc tế. Đồng thời làm ảnh hưởng trực tiếp đến cung cầu ngoại tệ làm tỷ giá thay đổi. Trong trường hợp nội địa có tỷ lệ lạm phát thấp hơn so với nước ngoài thì lúc này tỷ giá hối đoái sẽ giảm, giá trị nội tệ sẽ tăng. Thật ra không chỉ mỗi bên lạm phát gây ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái mà 2 yếu tố đó có quan hệ mật thiết với nhau, gây ảnh hưởng lên nhau.
5.2. Lãi suất
Lãi suất cũng là một trong những nhân tố ảnh hưởng tương đối đến các hoạt động đầu tư ở nước ngoài, nhất là đầu tư chứng khoán. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ giá hối đoái.
Lãi suất tăng thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Tuy nhiên nếu tình hình chính trị, kinh tế trong nước không ổn định thì điều đó cũng vô nghĩa. Do đó, điều quan trọng hơn vẫn là tính an toàn của nền kinh tế trong nước mới đảm bảo được số vốn đầu tư từ nước ngoài.
5.3. Thu nhập
Thu nhập bình quân của mỗi quốc giá sẽ tác động đáng kể đến tỷ giá hối đoái.
Tác động trực tiếp: Thu nhập của quốc gia tăng thì người dân sẽ có xu hướng muốn dùng hàng nhập khẩu nhiều hơn từ đó làm cầu ngoại tệ tăng làm tỷ giá tăng.
Tác động gián tiếp: Thu nhập cao thì người dân sẽ tăng mức chi tiêu trong nước làm cho tỷ lệ lạm phát cao, thông qua yếu tố lạm phát như đã phân tích trên làm tỷ giá tăng
Ngược lại khi quốc gia có thu nhập giảm thì sẽ giảm cầu ngoại tệ dẫn đến việc giảm tỷ giá hối đoái.
5.4. Trao đổi thương mại
Yếu tố thương mại trường sẽ tác động lên tỷ giá hối đoái theo 2 khía cạnh chính sau đây:
Tình hình tăng trưởng kinh tế: Tốc độ tăng giá của sản phẩm xuất khẩu nhanh hơn tốc độ tăng giá sản phẩm nhập khẩu thì tỷ lệ trao đổi thương mại tăng và khiến cho giá trị đồng nội tệ tăng. Từ đó dẫn đến giá trị đồng nội tệ tăng và việc giảm tỷ giá. Ngược lại, tốc độ tăng nhập khẩu cao hơn tốc độ tăng xuất khẩu thì cán cân thương mại giảm khiến cho tỷ giá hối đoái tăng.
Cán cân thanh toán quốc tế: Cán cân thanh toán quốc tế cao thì đồng ngoại tệ tăng và nội tệ giảm. Lúc này tỷ giá hối đoái sẽ tăng. Nếu cán cân thanh toán nội địa cao thì nội tệ tăng và ngoại tệ giảm sẽ khiến cho tỷ giá giảm.
5.5. Sự can thiệp của Chính Phủ
Các chính sách của Chính Phủ đưa ra tạo tác động không nhỏ đối với tỷ giá hối đoái. Khi Chính phủ muốn kích thích xuất khẩu hay thu hút đầu tư nước ngoài sẽ làm cho nguồn cung ngoại tệ tăng và nhu cầu sử dụng ngoại tệ giảm. Do đó tỷ giá hối đoái sẽ giảm.
6. Vai trò của tỷ giá hối đoái đối với nền kinh tế
Trong nền kinh tế hiện nay, đặc biệt là nền kinh tế Việt Nam, tỷ giá hối đoái giữ rất nhiều vai trò quan trọng:
- So sánh sức mua của các đồng tiền:
Tỷ giá hối đoái là công cụ rất hữu hiệu dùng để tính toán và so sánh giá trị nội tệ với giá trị ngoại tệ. Nó thể hiện giá cả hàng hóa trong nước với giá quốc tế, năng suất lao động trong nước và nước ngoài.
Từ đó có thể giúp tính toán hiệu quả của các giao dịch ngoại thương, các hoạt động liên doanh với nước ngoài, vay vốn nước ngoài và hiệu quả của các chính sách kinh tế đối ngoại của Nhà Nước.
- Tỷ giá hối đoái có ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Nếu đồng tiền nội tệ mất giá (tỷ giá tăng) đồng nghĩa với giá cả hàng xuất khẩu của quốc gia đó trở nên thấp hơn. Từ đó dẫn đến sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường quốc tế sẽ được nâng cao rất nhiều. Sự tăng lên của tỷ giá làm nền kinh tế thu được nhiều ngoại tệ. Cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện.
- Tỷ giá hối đoái có ảnh hưởng tới tình hình lạm phát và tăng trưởng kinh tế:
Khi tỷ giá hối đoái tăng đồng nghĩa sức mua nội tệ giảm. Từ đó làm giá hàng nhập khẩu đắt hơn, dễ dẫn đến khả năng lạm phát có thể xảy ra.
Ngược lại khi tỷ giá hối đoái giảm thì giá đồng nội tệ tăng lên. Lúc này hàng nhập khẩu từ nước ngoài trở nên rẻ hơn. Từ đó lạm phát được kiềm chế nhưng lại dẫn tới sản xuất thu hẹp và tăng trưởng thấp.
7. Tác động của tỷ giá hối đoái đến thị trường chứng khoán
Tỷ giá luôn là vấn đề nóng trên thị trường tài chính có thể khiến thị trường sụt giảm bất ngờ hoặc vẫn tăng ổn định. Một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh xuất nhập khẩu sẽ tăng hoặc giảm doanh thu khi tỷ giá điều chỉnh. Đây cũng là mối quan tâm của giới đầu tư vì tỷ giá tác động không nhỏ đến thị trường chứng khoán (TTCK).
7.1. Cổ phiếu nào hưởng lợi khi tỷ giá tăng?
Việc điều chỉnh tăng tỷ giá sẽ giúp cho các công ty xuất khẩu có rất nhiều thuận lợi, khi có doanh thu bằng /USD. Có thể kể đến một số nhóm ngành như: thủy sản, cao su, khoáng sản, nông sản, dầu khí… Trong những đợt điều chỉnh tỷ giá trước đây, hàng loạt cổ phiếu trong những ngành này như FMC, APC, ANV, KSD, KSH,… đã bật tăng mạnh.
Và phần lớn các hợp đồng xuất khẩu đều dưới đồng tiền USD. Đổi lại, các công ty thủy sản thường vay bằng đồng USD để tài trợ vốn lưu động do đồng USD có lãi suất thấp hơn đồng VND. Tuy nhiên, lượng tiền vay đều thấp hơn so với doanh thu mang lại. Do vậy, nếu điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND vẫn sẽ mang lại một phần lãi từ chênh lệch tỷ giá, qua đó giúp cải thiện lợi nhuận của các DN.
7.2. Cổ phiếu nào bị ảnh hưởng khi tỷ giá tăng?
Thông thường, việc tăng tỷ giá sẽ khiến cho các DN gặp nhiều khó khăn với các khoản nợ bằng USD, giá hàng nhập khẩu tăng, chỉ số CPI tăng, do đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Ngoài ra, việc tăng tỷ giá cũng khiến cho khối ngoại tăng cường hoạt động bán ròng vì tỷ suất sinh lợi của họ sẽ “tự nhiên” bị sụt giảm.
Một số công ty thuộc ngành sản xuất phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hoặc vay nợ bằng ngoại tệ nhiều sẽ bị thu hẹp lợi nhuận do phải trích lập dự phòng rủi ro tăng tỷ giá nhiều hơn như: thủy điện, vận tải chịu ảnh hưởng bất lợi từ xu hướng tăng tỷ giá, khi phần lớn DN thuộc các nhóm ngành này đều vay nợ bằng ngoại tệ khá nhiều.