1. Phân tích ngành là gì?
Phân tích ngành là việc phân tích một ngành cụ thể (sản xuất, dịch vụ, thương mại, bất động sản, xây dựng,… ) để giúp doanh nghiệp và các nhà phân tích hiểu được động lực cạnh tranh của ngành đó, bao gồm: thống kê cung cầu, mức độ cạnh tranh trong ngành và với các ngành mới nổi khác, triển vọng tương lai và ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài đến ngành. (Theo: Corporate Finance Institute)
Tại sao nhà đầu tư phải phân tích ngành trong đầu tư?
Để doanh nghiệp thành công trong hoạt động kinh doanh trong một lĩnh vực, một ngành nghề của nền kinh tế, họ phải phân tích được các yếu tố của môi trường kinh doanh tác động đến sự hình thành và phát triển của ngành. Từ những nghiên cứu này, họ sẽ đề ra những đường hướng, chiến lược phù hợp để doanh nghiệp có thể phát triển. Vì vậy, trên cương vị là một nhà đầu tư, chúng ta cũng cần phân tích ngành để hiểu được liệu ngành này có thể tăng trưởng hay không, đánh giá mức độ tăng trưởng, và từ đó chọn ra những mã cổ phiếu tốt trong ngành để đầu tư với tỷ suất lợi nhuận cao nhất. Việc phân tích đúng xu hướng phát triển của ngành trong nền kinh tế đã giúp bạn nắm chắc 50% tỷ lệ thành công trong đầu tư.
Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên chỉ chú trọng việc phân tích ngành mà bỏ qua việc phân tích kinh tế, chính trị trong đầu tư. Trên thực tế, sự vận động của nền kinh tế luôn tác động đến các ngành. Ví dụ như chỉ số tăng trưởng về GDP, tín dụng và việc làm là biểu hiện của sự tăng trưởng chung của hầu hết các ngành nghề.
Vì vậy, hãy đọc và phân tích cả tác động của các yếu tố kinh tế đến các ngành nghề trên thị trường chứng khoán, bạn sẽ sắc bén hơn trong việc nhận ra tiềm năng của các ngành nghề đấy !!!
Ví dụ
Bạn phân tích được ngành ngân hàng, chứng khoán thường có xu hướng phát triển cùng chiều với chu kỳ của nền kinh tế. Vì vậy, khi nền kinh tế phát triển, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn cổ phiếu trong hai nhóm ngành này để đầu tư.
2. Phân tích các yếu tố khách quan tác động đến ngành – PEST. ( môi trường bên ngoài)
Phân tích các yếu tố khách quan ( hay yếu tố vĩ mô) tác động trực tiếp đến các ngành trong nền kinh tế, bao gồm các yếu tố chính trị – luật pháp, kinh tế, văn hóa – xã hội và công nghệ. Để việc ghi nhớ các yếu tố vĩ mô tác động đến ngành cần phân tích một cách đơn giản nhất, bạn chỉ cần lưu ý chữ PEST, đại diện cho các yếu tố sau đây:
- Political – Các yếu tố chính trị và luật pháp có thể tác động tới ngành.
- Economic – Các yếu tố kinh tế vĩ mô, ví dụ như thay đổi trong giá dầu, hoặc GDP tăng trưởng cao.
- Social – Các yếu tố văn hóa, xã hội tác động đến ngành
- Technical – Các yếu tố về công nghệ ảnh hưởng đến ngành
- Political – Các yếu tố chính trị và pháp luật tác động đến ngành như thế nào?
Đây là yếu tố có tầm ảnh hưởng tới tất cả các ngành kinh doanh trên một khu vực lãnh thổ. Các yếu tố thể chế, luật pháp có thể ảnh hưởng đến khả năng tồn tại và phát triển của bất cứ ngành nào. Khi kinh doanh trên một đơn vị hành chính, các doanh nghiệp sẽ phải bắt buộc tuân theo các yếu tố thể chế luật pháp tại khu vực đó.
Các yếu tố về chính trị, luật pháp tác động đến ngành bao gồm:
Ví dụ về ảnh hưởng của yếu tố chính trị đến ngành trong nền kinh tế: Có thể nhìn vào tình hình chính trị căng thẳng giữa các nước lớn, trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung là một điển hình. Khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa từ Trung quốc, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển dịch một phần sang các nước khác, trong đó Việt Nam có nhiều yếu tố hấp dẫn thu hút FDI mạnh so với các nước trong khu vực. Nhờ làn sóng chuyển dịch, kéo theo nhu cầu xây dựng nhà máy, khu công nghiệp của doanh nghiệp FDI tăng lên, ngành Bất động sản khu công nghiệp ở Việt Nam được hưởng lợi. Biểu hiện trên thị trường chứng khoán là cổ phiếu ngành BĐS khu công nghiệp tăng mạnh, chẳng hạn như giá của cổ phiếu KBC x3,x4 lần nhờ vào sự chuyển dịch của nhiều doanh nghiệp lớn.
Lấy ví dụ ngành phân bón tại Việt Nam được hưởng các ưu đãi từ Chính phủ như:
Các chính sách bảo hộ sản xuất phân bón trong nước được Chính phủ xem xét đưa ra như: thuế tự vệ đối với phân DAP, MAP; chính sách thuế GTGT sửa đổi sẽ góp phần cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón. Thêm vào đó các Hiệp định Thương mại được ký kết giúp các doanh nghiệp tiếp cận được thị trường quốc tế, và nguồn nguyên liệu nhập khẩu chất lượng cao với giá rẻ hơn.
- Economic – Tình hình kinh tế vĩ mô tác động như thế nào đến ngành?
Xu hướng và tình hình phát triển chung của nền kinh tế ảnh hưởng lớn đến nhu cầu sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Một vài biến số kinh tế vĩ mô thường có ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của các ngành kinh tế như: tăng trưởng GPD, lạm phát, lãi suất, khả năng tiếp cận vốn tín dụng…
Ví dụ về tác động của chính sách kinh tế chính phủ đến ngành trong nền kinh tế. Năm 2020, do tác động của đại dịch covid, chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng (giảm lãi suất ) và chính sách tài khóa mở rộng (giảm thuế, thúc đẩy đầu tư công) để vực dậy nền kinh tế. Do vậy mà dòng tiền “chê lãi suất ngân hàng thấp”, đổ từ kênh gửi tiết kiệm sang đầu tư bất động sản và chứng khoán, kéo lợi nhuận của nhóm ngành này tăng trưởng mạnh. Cùng với đó, đầu tư công khiến sản lượng thép cho việc xây dựng tăng lên nhanh chóng, khiến cổ phiếu ngành thép tăng phi mã.
- Social- Các yếu tố xã hội tác động đến ngành như thế nào?
Mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ đều có những giá trị văn hóa và các yếu tố xã hội đặc trưng. Và những yếu tố này là đặc điểm, văn hóa người tiêu dùng tại các khu vực đó. Những giá trị văn hóa là những giá trị làm lên một xã hội, có thể vun đắp cho xã hội đó tồn tại và phát triển. Chính vì thế các yếu tố văn hóa thông thường được bảo vệ hết sức quy mô và chặt chẽ, đặc biệt là văn hóa tinh thần.
Rõ ràng, chúng ta không thể bán xúc xích lợn tại các nước Hồi Giáo được. Tuy vậy chúng ta cũng không thể phủ nhận sự giao thoa văn hóa của các nền văn hóa tại nhiều quốc gia. Sự giao thoa này sẽ thay đổi văn hóa tiêu dùng, từ đó tạo ra triển vọng phát triển của các ngành.
Ví dụ. Người Việt Nam có đời sống tâm linh rất phong phú, với văn hóa “ có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Có thời điểm, việc đốt vàng mã ở nước ta đã từng được đề xuất nghiêm cấm, vì bị coi là lãng phí và vô bổ. Tuy nhiên, văn hóa này đã có từ rất lâu đời, là nền tảng của sự hình thành và phát triển của xã hội nên không thể hủy bỏ. Điều này thể hiện rõ nét văn hóa tâm linh, đời sống của người Việt tạo động lực cho ngành kinh doanh vàng mã phát triển bền vững. Có thể thấy, cổ phiếu vàng mã CAP trên sàn chứng khoán, vẫn tăng trưởng và trả cổ tức đều đặn qua các năm.
- Technical – Ảnh hưởng của các thay đổi về công nghệ đến ngành.
Sự thay đổi về công nghệ dẫn đến sự cải tiến sản phẩm hay thậm chí là ra đời các sản hàng hóa thay thế hoàn toàn mới có thể đổi toàn diện một ngành kinh doanh, bắt buộc các doanh nghiệp phải thay đổi để bắt kịp xu thế mới nếu muốn tồn tại và phát triển.
Ví dụ. Ảnh hưởng của đại dịch covid-19 đã khiến các doanh nghiệp buộc phải thay đổi, áp dụng công nghệ vào quản trị để tối ưu chi phí, vào việc bán hàng online để đáp ứng nhu cầu tiện lợi của người tiêu dùng. Vì vậy, các ngành nghề trong nền kinh tế đều có những thay đổi mới trong việc ứng dụng công nghệ. Từ tiêu chí này, bạn có thể lựa chọn cổ phiếu của những doanh nghiệp nhanh chóng bắt kịp xu thế, áp dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh, như DXG ( bất động sản), hay lựa chọn cổ phiếu những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin như FPT.
3. Phân tích tổng quan về ngành (môi trường bên trong)
Trong việc phân tích tổng quan về ngành, bạn hãy cố gắng trả lời được các câu hỏi sau đây:
Lịch sử hình thành và phát triển của ngành như thế nào?
Đặc điểm của ngành là gì?
Sản phẩm của ngành là gì?
Xu thế ngành trong tương lai thay đổi ra sao?
Chu kỳ ngành thay đổi như nào so với chu kỳ nền kinh tế? Ngành đang phát triển ở giai đoạn nào trong nền kinh tế?
- Xác định chu kỳ ngành quan trọng như thế nào trong việc chọn cổ phiếu?
Trên đây là quá trình phát triển của một chu kỳ ngành trong nền kinh tế. Các ngành kinh doanh cũng như các doanh nghiệp, thường trải qua một loạt các giai đoạn, từ hình thành rồi tăng trưởng đến bão hòa và cuối cùng là suy thoái. Việc xác định được ngành kinh doanh đang ở giai đoạn nào của chu kỳ sống rất quan trọng, giúp chúng ta thấy được ngành đang ở giai đoạn nào trong một chu kỳ phát triển, để từ đó ra quyết định khi nào là thời điểm thích hợp để đầu tư vào cổ phiếu của ngành đó.
Ví dụ về phân tích ngành đang trong giai đoạn nào của một chu kỳ?
Khi ngành ICT- điện thoại, laptop đang trong giai đoạn tăng trưởng, bạn có thể mua cổ phiếu của MWG-doanh nghiệp đầu ngành để thu mức lợi nhuận cao. Tuy nhiên khi ngành ICT bắt đầu bước vào giai đoạn bão hòa, đem lại tỷ suất lợi nhuận thấp hơn, bạn có thể lựa chọn không đầu tư vào ngành này nữa mà chuyển hướng vào một ngành khác đang có tiềm năng tăng trưởng, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận.
4. Phân tích tác động của chu kỳ kinh tế đến các nhóm ngành
- Chu kỳ kinh tế quan trọng như thế nào trong việc tối đa hóa lợi nhuận của chúng ta?
Nền kinh tế xung quanh chúng ta đang vận hành ra sao? Liệu có phải bàn tay vô hình nào đó điều phối nền kinh tế khiến chúng ta phải tuân theo? Hãy cùng Wikinvest tìm hiểu về chu kỳ kinh tế nhé!!
Đối với chu kỳ kinh tế, nếu bạn hiểu càng nhiều về sự vận hành của nó cũng như đặc điểm, tính chất của từng thời kỳ, bạn sẽ chuẩn bị trước cho mình được những kế hoạch thay vì bất ngờ với những sự thay đổi của nó. Trong việc đầu tư và gia tăng tài sản cũng không ngoại lệ, khi bạn nắm rõ được chu kỳ kinh tế và xác định được mình đang trong giai đoạn nào, bạn sẽ chủ động hơn để có những chiến lược đầu tư phù hợp, nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
Ví dụ như khi tìm hiểu về chu kỳ kinh tế, bạn sẽ biết được những dấu hiệu và hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế. Từ đó, nếu nhận thấy có dấu hiệu của khủng hoảng, bạn phải tự đưa ra những kế hoạch như: chốt lời chứng khoán, bất động sản chuyển sang các kênh đầu tư trú ẩn an toàn hơn, ít bị tác động bởi cuộc khủng hoảng, chẳng hạn như mua vàng.
Ngược lại, nếu không lường trước khi nào cuộc khủng hoảng diễn ra, bạn có thể mải mê với sự tăng trưởng nóng của nền kinh tế ( hiệu ứng fomo, sợ mất cơ hội làm giàu của số đông). Hệ quả là, bạn không khỏi bất ngờ khi nền kinh tế sụp đổ, tài sản bốc hơi nhanh chóng….
Các cuộc khủng hoảng trong quá khứ là minh chứng rõ nét nhất cho sự tiêu tan tài sản của số đông khi không hiểu về sự vận động của chu kỳ kinh tế.
- Chu kỳ kinh tế ảnh hưởng thế nào đến các ngành?
Một chu kỳ kinh tế thường diễn ra trong 10 năm, là một vòng tuần hoàn trải qua 4 giai đoạn: Tăng trưởng, suy thoái, khủng hoảng, phục hồi. Thời gian kéo dài giữa các giai đoạn tùy thuộc vào đặc điểm, tính chất của từng thời kỳ. Sự vận động của chu kỳ kinh tế thường có tác động thuận chiều đến các ngành. Ví dụ như nền kinh tế tăng trưởng thì nhóm ngành tài chính cũng phát triển với doanh thu ấn tượng.
- Nên đầu tư ngành nào trong các giai đoạn của chu kỳ kinh tế?
Giai đoạn tăng trưởng.
Nhóm ngành công nghệ, tài chính, bất động sản, logistics sẽ là tăng mạnh theo sự phát triển của nền kinh tế.
Giai đoạn suy thoái.
Trong giai đoạn này, khi các nhóm ngành khác chịu tác động mạnh theo nền kinh tế thì nhóm ngành thiết yếu lại là nhóm có cổ phiếu tăng mạnh nhất. Nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu (nông nghiệp, thực phẩm, điện, nước), chăm sóc sức khỏe (dược phẩm, y tế ): đặc điểm của nhóm ngành này là không chịu tác động mạnh của chu kỳ kinh tế, vì dù kinh tế có suy thoái thì con người vẫn phải quan tâm đến các nhu cầu thiết yếu như sức khỏe, ăn uống, …
Giai đoạn phục hồi.
Nhóm ngành tài chính: nên đầu tư từ lúc nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, bởi các chính sách kích thích kinh tế phục hồi của chính phủ sẽ kích thích tăng trưởng tín dụng. Lúc này, ngành ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm sẽ hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp và tăng trưởng tín dụng.
- Ví dụ về sự tương quan giữa chu kỳ kinh tế và biến động của cổ phiếu trong ngành.
Ví dụ 1. Ngành tài chính: VCB tăng giá bắt đầu từ đầu 2012 – khi nền kinh tế chỉ mới bắt đầu bước vào giai đoạn tăng trưởng.
Ví dụ 2. Ngành vận tải, logistic: VSC cũng tăng giá mạnh từ năm 2012 – khi nền kinh tế chỉ mới bắt đầu bước vào giai đoạn tăng trưởng.
Ví dụ 3. Cổ phiếu ngành nguyên liệu cơ bản tăng giá mạnh trong giai đoạn bất động sản hồi phục mạnh mẽ trong giai đoạn nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh: 2015 – 2016
KSB – Đá xây dựng
Ví dụ 4. VNM – Tiêu dùng thiết yếu – Cổ phiếu tăng trưởng bền bỉ hiếm hoi trên thị trường chứng khoán, bất chấp ảnh hưởng từ các biến động của chu kỳ nền kinh tế.
Nhìn vào những câu chuyện về sự tăng trưởng của các mã cổ phiếu qua các giai đoạn trong một chu kỳ kinh tế, có thể thấy được, thị trường chứng khoán luôn có cơ hội cho chúng ta. Vì vậy, hãy luôn học tập, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm để luôn chọn cho mình những ngành nghề đúng đắn đề đầu tư.
- Ngành nghề, nền kinh tế trong đầu tư chứng khoán và đời sống của chúng ta.
Tất cả ngành nghề hay nền kinh tế trong việc phân tích đầu tư không phải những gì xa lạ, hàn lâm; trái lại, chúng đều hiện hữu xung quanh chúng ta. Hãy bắt đầu bằng cách cảm nhận, đánh giá về sự vận hành của nền kinh tế qua những gì đang diễn ra ngay trong cuộc sống hàng ngày. Từ những gì chúng ta nghe thấy, nhìn thấy, bạn sẽ cảm thấy nó không khô khan như những thứ được viết trong sách vở, giáo trình. Chẳng hạn như, nếu bạn muốn mua điện thoại, laptop, người ta sẽ khuyên bạn ra cửa hàng Thế giới di động (mã chứng khoán MWG), một doanh nghiệp thuộc ngành bán lẻ. Hay đơn giản, công ty trả lương cho bạn, sẽ phải dùng dịch vụ của các ngân hàng, tiêu biểu có thể kể đến như Vietcombank (mã VCB), Vietinbank (mã CTG). Đây là lý do tại sao những cổ phiếu này trở thành các mã hot trên thị trường chứng khoán. Như bạn thấy đấy, việc đánh giá sự phát triển của các ngành nghề và lựa chọn cổ phiếu cũng có thể nhìn nhận một cách đơn giản nhưng vô cùng sắc bén qua việc cảm nhận cuộc sống xung quanh, không nhất thiết phải là qua các con số tài chính.
Bật mí cho các bạn, đây là bí quyết thành công của các nhà đầu tư tại Wikinvest đó nhé!
Vì vậy, hãy biến việc phân tích chứng khoán thành những gì gần gũi nhất trong đời sống, bạn sẽ thấy dễ dàng hơn rất nhiều đấy!!