1. Từ lóng về cổ phiếu
Hàng ở đây ám chỉ “ cổ phiếu” mà nhà đầu tư muốn mua.
Phím hàng là việc giới thiệu cơ hội đầu tư về 1 hoặc nhiều mã cổ phiếu. Đây là hoạt động chiếm số lượng gần như 95% trong giới môi giới chứng khoán. Việc phím hàng có thể dựa trên phân tích hoặc theo tin đồn. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên cẩn trọng, vì trên thị trường có không ít những kẻ xấu “phím hàng” khi giá cổ phiếu đã tăng nhiều để làm giá, trục lợi từ việc giá cổ phiếu tăng lên và bán ra.
Lên tàu là việc nhà đầu tư mua vào cổ phiếu. Ví dụ, lên tàu “ FPT”. Ngược lại, xuống tàu là việc bán cổ phiếu ra để chốt lời. Lỡ tàu hay mất hàng là việc nhà đầu tư bỏ lỡ một cổ phiếu, và sau đó giá cổ phiếu lại tăng cao khiến nhà đầu tư có cảm giác tiếc nuối.
Múc/ xúc dùng để chỉ mua vào với quyết tâm cao độ, mua bằng mọi giá của cổ phiếu. Ngược lại, Xả/Thoát hàng dùng để chỉ hoạt động bán ra với quyết tâm cao độ, bán bằng mọi giá khi nhà đầu tư cảm giác thị trường sắp có dấu hiệu đảo chiều giảm..
Đảo hàng là hoạt động mua bán chứng khoán để tái cơ cấu lại danh mục đầu tư. Đây có thể là hoạt động bán ra các chứng khoán xấu để mua vào chứng khoán tốt, cắt lỗ chứng khoán để mua lại với giá thấp hơn…
Lau sàn là giá giảm kịch sàn không phanh. Trên bảng giá chứng khoán, khi cổ phiếu giảm về mức giá sàn ( giá thấp nhất có thể giảm trong ngày) thì được gọi là lau sàn. Tuy nhiên, không phải cổ phiếu nào sàn cũng xấu, bởi có thể nó bị các đội lái dìm cho giá thấp xuống để ép nhà đầu tư nhỏ lẻ bán ra và mình mua vào ( hay còn gọi là múc sàn).
2. Từ lóng về nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Đội Lái: Giới đầu tư chứng khoán ở Việt Nam tin rằng có những nhà đầu tư có tiềm lực lớn, có lợi thế về thông tin thường được gọi là nhà đầu tư cá mập. Các nhà đầu tư lớn có thể liên kết với nhau để đánh lên hay đánh xuống một cổ phiếu nào đó để kiếm lời hoặc hạn chế thua lỗ. Đội lái là từ ám chỉ các nhóm nhà đầu tư này. Vì bán khống vẫn chưa được phép ở Việt Nam, các đội lái thường tìm kiếm lợi nhuận bằng cách “đánh lên” cổ phiếu. Đội lái có lợi thế tiếp cận thông tin tốt sớm hơn thị trường nên sẽ lặng lẽ gom cổ phiếu đủ lượng mong muốn, sau đó cố tình cho rò rỉ các thông tin (càng tỏ ra khách quan càng tốt) để nhiều nhà đầu tư đến sau vào mua cổ phiếu này. Đến lúc đó, đội lái có thể bán ra để kiếm lời
Cá mập/ Tay to: Đây là một từ lóng, từ dân dã được giới đầu tư chứng khoán sử dụng. Cá mập hay Tay to dùng để chỉ giới đầu tư có nguồn lực vốn lớn, nhà đầu tư tổ chức có ảnh hưởng đến giao dịch trên thị trường.
Tay lông: hay còn gọi là khối ngoại, là từ dùng để gọi nhà đầu tư nước ngoài. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam được thống kê riêng để quản lý giới hạn cổ phiếu sở hữu (room ngoại) theo quy định. Đã từng có thời gian giao dịch của khối ngoại ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư trong nước, cả mua lẫn bán ở những mã cụ thể và toàn thị trường. Tuy nhiên năm 2020, thời điểm bùng phát dịch covid- 19, khối ngoại liên tục bán ròng lập kỷ lục nhưng không hề ảnh hưởng đến tâm lý, nhà đầu tư trong nước vẫn mua vào và hấp thụ lượng cổ phiếu bán ra của khối ngoại.
Bìm bịp & Chim lợn: Chim Lợn là những nhà đầu tư vô danh, xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, kêu réo tung tin xấu về cổ phiếu, để đè cho giá cổ phiếu giảm, hỗ trợ những nhà đầu tư Cá Mập mua gom cổ phiếu giá thấp. Sau khi Cá Mập gom đủ hàng thì những nhà đầu tư Bìm Bịp được tung ra để bơm tin tốt hỗ trợ đòn “đẩy giá cổ phiếu” của Cá Mập và sau đó bán ra chốt lời.
Úp sọt/úp bô/Kéo xả: bẫy nhà đầu tư nhỏ lẻ, kéo thị trường lên và sau đó bán cổ phiếu ra xả hàng.
3. Từ lóng về thị trường
Xanh vỏ đỏ lòng: “vỏ” ở đây chỉ thị trường chung, “lòng” là những cổ phiếu trụ trên thị trường. Khi thị trường “xanh vỏ đỏ lòng” tức là xu hướng thị trường chung đi lên ( chỉ số Vn-index tăng), nhưng nhóm cổ phiếu trụ của thị trường với vốn hóa lớn lại giảm khi được chốt lời ( chỉ số Vn-30 giảm )
Lên đỉnh: khi thị trường đang tiến dần lên mốc đỉnh lịch sử, hoặc thậm chí tạo ra những mốc đỉnh mới. Ví dụ như năm 2020, do covid và môi trường lãi suất thấp mà dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán rất lớn, kéo chỉ số Vn-index đại diện cho thị trường vượt mốc đỉnh lịch sử 1200 điểm của năm 2018.
Bún chả: tiếng lóng của bulltrap, nghĩa là bẫy con bò, hay bẫy tăng giá. Hiện tượng này xảy ra khi thị trường tăng điểm ảo, được kéo lên bởi các nhà tạo lập thị trường, khiến các nhà đầu tư tưởng rằng thị trường tăng trưởng tốt thật. Tuy nhiên, ngay sau khi tăng điểm thì các nhà tạo lập sẽ kéo giảm hoặc sập thị trường, khiến các nhà đầu lỗ nặng. Hãy nhìn đồ thị sau đây để hiểu bulltrap nhé!!
Đu đỉnh
khi thị trường lên cao, hoặc cổ phiếu đã tăng cao rồi, nhà đầu tư thấy tín hiệu tích cực liền nhảy vào mua. Tuy nhiên sau đó cổ phiếu giảm khiến nhà đầu tư lỗ. Đây gọi là hiện tượng nhà đầu tư ngậm đắng nuốt cay khi lỡ “đu đỉnh”. Lúc này, nhà đầu tư buộc phải chọn một trong hai quyết định, gồng lỗ hoặc cắt lỗ.
Bắt đáy
Là việc khi giá cổ phiếu giảm sâu, nhà đầu tư cho rằng cp đang có giá quá rẻ và nghĩ rằng không thể xuống được nữa nên bắt đầu đặt lệnh mua vào. Hành động mua vào đó được gọi là “bắt đáy”.
Cá hồi : diễn ra khi thị trường đang có dấu hiệu hồi phục sau phiên giảm điểm.
Úp chén: là cách nói lái của từ uptrend, thể hiện thị trường đang trong xu hướng tăng .
Lướt sóng: Dựa vào tình hình thị trường lên cao xuống thấp trong một thời gian ngắn giống như những con sóng để mua vào, bán ra kiếm lời. Sóng ở đây là sóng cổ phiếu theo ngành. Ví dụ như khi thị trường lên cao, sóng ngành thường diễn ra nhất là sóng ngành ngân hàng, chứng khoán. Khi đó, các nhà đầu tư ngắn hạn với tâm lý “cứ mua là tăng theo ngành” sẽ thi nhau lao vào mua cổ phiếu của nhóm ngành này, không cần biết doanh nghiệp ra sao.