1. Vốn lưu động (Working Capital) là gì?
1.1. Khái niệm vốn lưu động (VLĐ) là gì?
Vốn lưu động (Working capital), đây là một thước đo tài chính thể hiện nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp, nhằm đáp ứng những hoạt động kinh doanh hàng ngày như: Tiền trả lương nhân viên, tiền thanh toán cho nhà cung cấp, tiền trả chi phí mặt bằng, điện nước,…
1.2. Vốn lưu động ròng, VLĐ thuần (Net Working Capital) là gì?
Vốn lưu động ròng (Net working capital) là sự chênh lệch giữa tổng tài sản lưu động của doanh nghiệp trừ đi các khoản nợ ngắn hạn. Trong đó:
Tài sản lưu động: Tài sản lưu động là tất cả các tài sản sẽ được chuyển đổi thành tiền mặt trong vòng một năm. Bao gồm tiền tệ, các khoản phải thu, hàng tồn kho và chi phí trả trước.
Nợ ngắn hạn: Nợ ngắn hạn là tất cả các khoản nợ ngắn hạn sẽ được trả trong vòng một năm, bao gồm tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền lương và các khoản thanh toán cho nợ dài hạn.
2. Các cách phân loại vốn lưu động
2.1. Theo vai trò:
– Trong khâu dự trữ sản xuất: VLĐ loại này bao gồm giá trị các khoản nguyên vật liệu (chính, phụ), động lực, nhiên liệu, công cụ, dụng cụ và phụ tùng thay thế.
– Trong khâu sản xuất: VLĐ loại này bao gồm giá trị sản phẩm dở dang, bán thành phẩm hay các khoản chi phí đang chờ kết quả chuyển.
– Trong khâu lưu thông: VLĐ loại này bao gồm vốn bằng tiền, giá trị thành phẩm, vốn đầu tư ngắn hạn, khoản thế chấp,…
2.2. Theo hình thái biểu hiện:
– Vốn vật tư, hàng hóa: VLĐ có hình thái biểu hiện là hiện vật cụ thể như sản phẩm dở dang, nguyên hay nhiên vật liệu, thành phẩm, bán thành phẩm,…
– Vốn bằng tiền: VLĐ là các khoản vốn tiền tệ như tiền gửi ngân hàng, tiền mặt tồn quỹ, khoản đầu tư chứng khoán,…
2.3. Theo quan hệ sở hữu:
– Vốn chủ sở hữu: VLĐ thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp và doanh nghiệp có toàn quyền với loại vốn này như quyền chiếm hữu, sử dụng, chi phối và định đoạt. Có nhiều vốn chủ sở hữu khác nhau tùy loại hình doanh nghiệp như do doanh nghiệp tư nhân tự bỏ ra, từ ngân sách nhà nước, vốn góp cổ phần trong công ty cổ phần,…
– Các khoản nợ: VLĐ được tạo nên từ vốn vay các tổ chức tài chính hoặc ngân hàng thương mại, vốn vay thông qua phát hành trái phiếu, khoản nợ khách hàng chưa thanh toán.
2.4. Theo nguồn hình thành
– Vốn điều lệ: VLĐ được tạo nên từ nguồn vốn điều lệ ban đầu hoặc vốn điều lệ bổ sung trong quá trình sản xuất kinh doanh.
– Vốn tự bổ sung: VLĐ do doanh nghiệp tự bổ sung trong quá trình sản xuất kinh doanh như tái đầu tư lợi nhuận doanh nghiệp.
– Vốn liên doanh, liên kết: VLĐ được tạo nên từ vốn góp liên doanh của các bên tham gia doanh nghiệp liên doanh.
– Vốn đi vay: VLĐ được vay từ ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng,…
– Vốn huy động từ thị trường thông qua việc phát hành trái phiếu, cổ phiếu.
2.5. Theo thời gian huy động và sử dụng vốn
– VLĐ tạm thời: vốn có tính chất đáp ứng nhu cầu tạm thời, phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh như các khoản vay ngắn hạng ngân hàng.
– VLĐ thường xuyên: vốn có tính chất ổn định để tạo nên tài sản lưu động thường xuyên.
3. Công thức tính vốn lưu động
3.1. Công thức, cách tính vốn lưu động là gì?
Công thức tính vốn lưu động:
Vốn lưu động = Tài sản ngắn hạn – Nợ ngắn hạn
Thường thì bạn có thể tìm thấy các số liệu về tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp. Tài sản ngắn hạn trong công thức tính vốn lưu động chính là tổng tài sản ngắn hạn và tương tự với nợ ngắn hạn chính là tổng các khoản nợ ngắn hạn trong bảng cân đối kế toán.
3.2. Công thức, cách tính vốn lưu động ròng như thế nào?
VLDR = NVTX – (TSCD + TSDH)
Trong đó:
- VLDR: Vốn lưu động ròng
- NVTX: Nguồn vốn thường xuyên
- TSCD: Tài sản cố định
- TSDH: Tài sản dài hạn
Bên cạnh đó, còn được tính bằng khoản chênh lệch giữa các tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn với nợ ngắn hạn theo công thức cụ thể như sau:
VLDR = TSLD & DTDH – NNH
Trong đó:
- TSLD: Tài sản lưu động
- DTDH: Đầu tư dài hạn
- NNH: Nợ ngắn hạn
Chỉ số này thể hiện cách sử dụng vốn và tính linh hoạt, cũng như khả năng thanh toán của một doanh nghiệp.
3.3. Cách tính vốn lưu động bình quân?
VLĐ bình quân được tính theo cách sau:
VLĐ bình quân = Tổng vốn lưu động của 12 tháng/ 12.
VLĐ bình quân thường được dùng để tính ra vòng quay vốn lưu động của doanh nghiệp:
VQVLĐ = Doanh Thu Thuần/Vốn lưu động bình quân
4. Vai trò, ý nghĩa của vốn lưu động
- Vai trò của VLĐ
Trước khi đi vào sản xuất, doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị các loại tài sản cố định như trang – thiết bị, máy móc, nhà xưởng… Ngoài ra, họ còn phải bỏ ra một khoản tiền nhất định để mua nguyên – vật liệu, trang/thiết bị… để phục vụ sản xuất nữa. Vốn lưu động sẽ là yếu tố then chốt để các doanh nghiệp có thể hoạt động, họ phải có đủ vốn lưu động thì mới có thể tiến tới những bước tiếp theo!
Vốn lưu động còn ảnh hưởng lớn tới quy mô hoạt động của các doanh nghiệp. Nếu một doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô thì nhất định phải huy động được một lượng vốn đầu tư đủ nhiều. Giúp doanh nghiệp kịp thời nắm bắt các cơ hội tốt và tạo nên lợi thế cho doanh nghiệp ấy để họ có thể cạnh tranh với các đối thủ ngang tầm. Loại vốn này cũng là một nhân tố tác động mạnh đến giá thành sản phẩm.
- Ý nghĩa của VLĐ
Có ý nghĩa rất lớn đến việc duy trì và tồn tại của một doanh nghiệp. Căn cứ vào việc xác định vốn lưu động sẽ xác định được tình trạng của doanh nghiệp hiện tại.
Thông thường, một công ty sẽ xảy ra 2 tình trạng sau:
– Vốn lưu động có giá trị dương:
Điều này chứng tỏ tài sản ngắn hạn đang lớn hơn các khoản nợ ngắn hạn. Nhờ thế mà doanh nghiệp có thể dễ dàng chuyển đổi tài sản thành tiền mặt để trả các khoản nợ tới hạn. Giúp các hoạt động sản xuất diễn ra bình thường.
– Vốn lưu động có giá trị âm:
Chứng tỏ tài sản ngắn hạn đang nhỏ hơn các khoản nợ ngắn hạn. Cũng đồng nghĩa với việc rằng doanh nghiệp không có khả năng trả nợ và rất dễ dẫn đến tình huống phá sản.
5. Thay đổi vốn lưu động trong doanh nghiệp
5.1. Những yếu tố tác động đến sự thay đổi vốn lưu động trong doanh nghiệp
Thay đổi vốn lưu động chủ yếu dựa vào những nguyên chính dưới đây:
Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp
Các doanh nghiệp lớn vượt trội về quy mô , công nghệ sản xuất sẽ có lợi thế lớn trong việc đàm phán hợp đồng . Từ đó họ có khả năng chiếm dụng được vốn của cả người mua lẫn người bán hàng.
Chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp
Chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chính sách bán hàng cũng như đến thay đổi vốn lưu động .
Tính minh bạch của doanh nghiệp
Bạn phải cực kỳ cẩn trọng nếu một doanh nghiệp có khoản change in noncash working capital liên tục tăng trong nhiều năm liền ( dòng tiền hoạt động âm ).
Sẽ rất khó để xác định toàn bộ các khoản phải thu khách hàng, hàng tồn này có chính xác hay không? Nhất là khi thông tin thuyết minh trên báo cáo tài chính còn rất hạn chế và không rõ ràng .
Việc thay đổi nguồn vốn LĐ dẫn tới dòng tiền kinh doanh âm là rất bình thường trong vòng đời hoạt động của công ty.
Chính vì thế bạn nên thật cẩn trọng và phải tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân nếu thay đổi vốn lưu động của doanh nghiệp.
5.2. Ý nghĩa của sự thay đổi vốn lưu động trong doanh nghiệp
Thay đổi VLĐ cũng là một trong những yếu tố trọng yếu thể hiện chất lượng dòng tiền của doanh nghiệp
Các khoản phải thu và hàng tồn kho tăng cao không tương đồng với sự tăng trưởng doanh thu và tồn tại trong một khoảng thời gian dài thì có thể DN đang ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ảo mà không thực sự tạo ra dòng tiền.
Ngoài ra hàng tồn kho và phải thu khách hàng tăng quá nhanh so với doanh thu có thể dẫn đến dòng tiền hoạt động liên tục âm (rủi ro) khiến DN phải tăng vay nợ hoặc phát hành thêm cổ phiếu để bù đắp thiếu hụt.
6. Quản trị vốn lưu động trong doanh nghiệp
Các nhà quản lý cần sử dụng một sự kết hợp của các chính sách và kỹ thuật cho việc quản lý VLĐ. Các chính sách nhằm mục đích quản lý Tài sản ngắn hạn (thường tiền mặt và tương đương tiền, hàng tồn kho và các khoản phải trả) và các nguồn tài chính ngắn hạn (như các dòng tiền và các khoản phải thu). Chẳng hạn:
Quản lý tiền mặt: Xác định số dư tiền mặt cho phép doanh nghiệp có khả năng đáp ứng các chi phí hàng ngày và có thể làm giảm chi phí nắm giữ tiền mặt.
Quản lý hàng tồn kho: Xác định mức độ hàng tồn kho cho phép sản xuất không bị gián đoạn nhưng có thể làm giảm đầu tư nguyên liệu và giảm thiểu chi phí sắp xếp lại, do đó làm tăng lưu lượng tiền mặt. Bên cạnh đó, thời gian giao hàng trong sản xuất nên được hạ thấp để giảm Hàng hóa dang dở (WIP) và tương tự, Hàng hóa thành phẩm phải được giữ mức càng thấp càng tốt để tránh sản xuất quá mức.
Quản lý con nợ: Xác định chính sách tín dụng thích hợp, các điều khoản tín dụng mà sẽ thu hút khách hàng.
Tài chính ngắn hạn: Xác định nguồn tài chính thích hợp và chu kỳ chuyển đổi tiền mặt.
7. Tài sản lưu động là gì, bao gồm?
Tài sản lưu động là gì?
Tài sản lưu động là những tài sản ngắn hạn và những tài sản thường xuyên luân chuyển trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tài sản lưu động được thể hiện ở các bộ phận bao gồm có: tiền mặt, các chứng khoán thanh khoản cao, hiện vật (vật tư, hàng hóa), các khoản nợ phải thu ngắn hạn.
Tài sản lưu động gồm những gì?
Trong doanh nghiệp, tài sản lưu động bao gồm tài sản lưu động sản xuất và tài sản lưu động lưu thông, cụ thể:
+ Tài sản lưu động sản xuất gồm những vật tư dự trữ nhằm chuẩn bị cho quá trình sản xuất được liên tục, bao gồm có: nguyên vật liệu chính, nguyên vật liệu phụ, nhiên liệu, các phụ tùng thay thế, công cụ lao động nhỏ,…
+ Tài sản lưu động lưu thông bao gồm có các sản phẩm hàng hóa chưa được tiêu thụ, vốn bằng tiền mặt, vốn trong thanh toán.
8. Các khái niệm khác liên quan đến Vốn lưu động
8.1. Vốn lưu động tiếng anh là gì?
Vốn lưu động tiếng Anh là Working capital và được định nghĩa Working capital is a measure of a company’s current cash and working assets, serving the company’s daily operating needs.
8.2. Vốn lưu động thường xuyên
Nguồn VLĐ thường xuyên là nguồn vốn ổn định có tính chất dài hạn để hình thành hay tài trợ cho tài sản lưu động thường xuyên cần thiết trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (có thể là một phần hay toàn bộ tài sản lưu động thường xuyên tuỳ thuộc vào chiến lược tài chính của doanh nghiệp).
8.3. Nhu cầu vốn lưu động là gì?
Nhu cầu vốn lưu động ròng là nhu cầu vốn ngắn hạn phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng chưa được tài trợ bởi bên thứ ba trong quá trình kinh doanh đó.
8.4. Vốn lưu động và vốn cố định trong bảng cân đối kế toán là gì? Phân biệt.
Tiêu chí | Vốn lưu động | Vốn cố định |
Khái niệm | Vốn lưu động là biểu hiện bằng tiền của tài sản ngắn hạn (TSNH) nên đặc điểm vận động của vốn lưu động luôn chịu sự chi phối bởi những đặc điểm của tài sản ngắn hạn | Vốn cố định là giá trị của các loại tài sản cố định (TSCĐ). Các loại tài sản này là những tài sản có giá trị lớn, thời gian sử dụng kéo dài qua rất nhiều chu kì kinh doanh của doanh nghiệp |
Biểu hiện | Tài sản lưu động | Tài sản cố định |
Thể hiện trên BCTC | Các chỉ tiêu về tài sản lưu động như tiền và các khoản tương đương tiền, nợ phải thu, … | Chỉ tiêu tài sản cố định |
Phân loại | Phân lợi theo hình thái biểu hiện: + Vốn bằng tiền và vốn trong thanh toán + Vốn vật tư hàng hóa + Vốn chi phí trả về trước Phân loại vốn theo vai trò của vốn lưu động đối với quá trình sản xuất kinh doanh + Vốn lưu động trong khâu dự trữ sản xuất + Vốn lưu động trong khâu sản xuất + Vốn lưu động trong khâu lưu thông | Vốn cố định được thể hiện ở thông qua tài sản cố định của doanh nghiệp Phân loại theo hình thái biểu hiện: + Tài sản cố định hữu hình + Tài sản cố định vô hình Phân loại theo tình hình sử dụng + Tài sản cố định đang dùng + Tài sản cố định chưa dùng + Tài sản cố định không cần dùng và đang chờ thanh lý |
8.5. Vốn điều lệ và vốn lưu động khác nhau thế nào?
Theo khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
Căn cứ Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020, tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Khái niệm vốn điều lệ và VLĐ thực chất hoàn toàn khác nhau. Vốn điều lệ là số vốn ban đầu được sở hữu bởi các thành viên ghi trên điều lệ công ty, nó có liên quan đến rất nhiều quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi thành viên căn cứ trên tỷ lệ góp vốn ghi trên điều lệ.
VLĐ là khái niệm thiên về kế toán và quản trị doanh nghiệp, là khoản tiền dự tính làm vốn luân chuyển, mua sắm tài sản lưuđộng, hàng hóa dịch vụ trong 1 kỳ kinh doanh. Phần dùng để đầu tư mua sắm trang thiết bị có thể xem là vốn cố định.
Khi mới thành lập thì toàn bộ vốn kinh doanh được hình thành tự vốn tự có (hay vốn ghi trên điều lệ ban đầu) nhưng sau này vốn kinh doanh sẽ được hình thành từ nhiều nguồn, vốn ban đầu, nợ và lợi nhuận để lại, trong khi vốn điều lệ vẫn không đổi trừ khi có quyết định thay đổi điều lệ.
(Wikinvest biên soạn và tổng hợp từ các trang: Wikipedia, Luathoangphi, Vietnamfinance, …)