1. Quản lý tài chính cá nhân là gì
Tài chính cá nhân được hiểu đơn giản là ứng dụng các nguyên tắc tài chính vào tiền bạc của bản thân hoặc gia đình để sử dụng đồng tiền sao cho hiệu quả nhất. Nó vừa giúp bạn sống thoải mái lại tránh gặp phải những rủi ro không đáng có từ cuộc sống thường ngày.
Cũng như những doanh nghiệp, bản thân mỗi cá nhân đều cần phải quản lý tài chính. Quản lý tài chính cá nhân là quá trình lập kế hoạch và quản lý các hoạt động tài chính cá nhân như tạo thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư…. Quá trình quản lý tài chính cá nhân của mỗi người có thể được tóm tắt trong ngân sách hoặc kế hoạch tài chính.
2. Tầm quan trọng của quản lý tài chính cá nhân và tích lũy tài sản.
Có 1 sự thật là quản lý tiền bạc không làm hạn chế tự do mà ngược lại nó cho phép bạn có thể tạo ra tự do tài chính để không cần phải làm việc nữa. Quản lý tài chính cá nhân là kỹ năng quan trọng để theo dõi, quản lý chi tiêu và tích lũy số tiền của mỗi người hàng ngày, hàng tháng thậm chí là hàng năm. Tuy nhiên không có một trường học nào tại Việt Nam dạy kỹ năng này. Mặc dù, đối với học sinh – sinh viên,nguồn thu nhập chủ yếu đến từ các khoản chu cấp của gia đình, tiền làm thêm hoặc các hoạt động kinh doanh online,… nhưng quản lý tài chính vẫn là việc cần thiết và quan trọng.
Tài sản mà bạn tích lũy được cũng sinh ra từ việc quản lý tài chính cá nhân của các bạn. Chẳng hạn hàng tháng, bạn trích ra số tiền 3 triệu từ tiền lương mỗi tháng, sau 1 năm bạn đã có một khoản tiết kiệm kha khá là 36 triệu. Bạn có thể sử dụng số tiền này để đầu tư sinh ra các tài sản khác hoặc tiếp tục tiết kiệm. Đây được gọi là tích lũy tài sản.
Hiện nay ở Việt Nam, đa số giới trẻ đều không có kỹ năng quản lý tài chính cá nhân. Có khoảng 90% các bạn trẻ không có thói quen tiết kiệm đồng thời đang có tư duy vừa làm vừa hưởng thụ để thỏa mãn nhu cần và không thua thiệt so với bạn bè. Đến khi cần gấp một khoản tiền để trang trải cho vấn đề nào đó, thậm chí một số bạn trẻ sẽ đi vay thậm chí là tín dụng đen.
Trong khi đó, những người đã lập gia đình hay những người đứng tuổi, đều có thói quen trích từ thu nhập mỗi tháng một khoản để dành dụm. Sau đó sẽ là đầu tư kiếm thêm thu nhập thụ động.
Vậy tại sao phải quản lý tài chính cá nhân và tích lũy tài sản? Hiểu được cách quản lý tài chính cá nhân của bản thân được coi là chiếc chìa khóa làm chủ cuộc sống mà mỗi người cần phải có. Dưới đây là một số gạch đầu dòng mà chúng tôi có thể chỉ ra được tầm quan trọng của việc quản lý tài chính cá nhân cũng như tích lũy tài sản.
- Hiểu rõ về tình hình tài chính của bản thân.
Quản lý tài chính cá nhân giúp bạn hiểu rõ về đồng tiền và hiểu được tình hình tài chính của bản thân. Từ đó, bạn sẽ thấy được nguồn thu nhập hiện tại của mình có đáp ứng được nhu cầu mà mình muốn hay không, có nên giảm chi tiêu hay tìm kiếm cách đầu tư phù hợp.
- Phân bổ các khoản chi tiêu và tiết kiệm một cách hợp lý.
Với việc quản lý tài chính cá nhân, bạn sẽ học cách theo dõi đúng các khoản chi tiêu của mình và tránh được các khoản bội chi. Nhờ đó, bạn sẽ biết tiền của mình đi đâu, đối với những thứ không thiết yếu sẽ dần được cắt bỏ.
- Thiết lập các mục tiêu tài chính rõ ràng hơn.
Khi bạn biết cách quản lý tiền bạc, bạn sẽ biết được những mục tiêu tài chính (mua nhà, mua xe,…) của bạn có thực tế hay không.
- Gia tăng tài sản của bản thân
Việc am hiểu về tài chính sẽ giúp bạn phát triển tài sản của mình nhanh chóng. Bạn sẽ học cách đầu tư tiền của mình một cách chính xác, mang lại nhiều lợi nhuận hơn thay vì để tiền nằm yên trong tài khoản ngân hàng.
Nhiều người có quan điểm sai lầm khi cho rằng chỉ có người giàu mới lập kế hoạch quản lý tài chính, nhưng thực chất chỉ khi chúng ta quản lý và kiểm soát tốt tiền bạc và chi tiêu, thì mới tích lũy được nhiều và giàu có.
3. Phương pháp quản lý tài chính cá nhân 50/20/30
Làm cách nào để có thể quản lý tài chính cá nhân cho tốt?
Để trả lời được câu hỏi này còn tùy thuộc vào quan điểm hay thu nhập của từng người mà lựa chọn được phương pháp phù hợp nhất cho bản thân.
Hiện nay có rất nhiều phương pháp quản lý tài chính cá nhân, sau đây Wikinvest sẽ giới thiệu cho bạn 2 phương pháp khá phổ biến. Đó là quy tắc 50/30/20 và phương pháp quản lý tài chính 6 chiếc lọ
Quy tắc 50/30/20
Đây là phương pháp đơn giản và dễ hiểu để giúp mọi người đạt được mục tiêu tài chính của mình.
- Nhóm 50% – Nhóm chi phí thiết yếu
Đây là khoản chi phí lớn nhất chiếm 50% thu nhập hàng tháng của bạn. Nghe có vẻ nhiều nhưng nó là những khoản bắt buộc phải chi cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày như ăn uống, đi lại, thuê nhà,…Nếu khoản chi này vượt quá 50%, hãy cân nhắc để giảm bớt chi tiêu bằng cách nấu ăn tại nhà thay vì ăn ngoài, di chuyển bằng giao thông công cộng thay vì phương tiện cá nhân,…
- Nhóm 30% – Nhóm mong muốn
Khoản chi tiêu mong muốn dành cho những hoạt động vui chơi giải trí, shopping, du lịch…của bản thân bạn. Khoản chi này biến động theo từng tháng và tùy thuộc vào lối sống cũng như nhu cầu của từng người. Mục tiêu chung là giảm bớt chi phí nhóm này và tăng nhóm tích lũy lên.
- Nhóm 20% – Nhóm tích lũy
Hãy cố gắng phân bổ 20% thu nhập hàng của bạn dành cho nhóm này. Đây là khoản dành cho những mục tiêu tài chính như tiết kiệm (bao gồm cả trả nợ) hay đầu tư cho các kênh sinh lời (chứng khoán, quỹ đầu tư,…). Càng bắt đầu tiết kiệm từ sớm thì khi đến tuổi về hưu, bạn sẽ càng thoải mái bấy nhiêu.
Như vậy là với phương pháp này, bạn vừa có thể đảm bảo một cuộc sống bình thường, vừa thỏa mãn sở thích của bản thân, mà vẫn có thể tiết kiệm cho mục tiêu tài chính về sau.
4. Quy tắc 6 chiếc lọ tài chính
Phương pháp này có phức tạp hơn sao với nguyên tắc 50/30/20 nhưng cũng chỉ phức tạp hơn chút xíu thôi.
- Lọ thứ nhất – Chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu – 55%
Cũng giống như nhóm 50 của nguyên tắc 50/30/20, đây là khoản chi tiêu chiếm nhiều nhất trong thu nhập của bạn. Nó là khoản chi đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của bạn. Hãy cố gắng đừng vượt mức chi tiêu trong khoảng này.
- Lọ thứ 2 – Tiết kiệm dài hạn – 10%
Mục đích của khoản tiết kiệm này là tiết kiệm dài hạn cho mục tiêu dài hạn như mua nhà, mua xe,… và tiết kiệm cho trường hợp khẩn cấp như ốm đau, mừng cưới,…
- Lọ thứ 3 – Quỹ giáo dục – 10%
Khoản này được chi cho việc học hỏi, trau dồi kiến thức bằng cách mua thêm sách hay các khóa học. Đầu tư vào học tập cũng chính là đầu tư vào bản thân giúp bạn không ngừng phát triển.
- Lọ thứ 4 – Hưởng thụ – 10%
Như tên gọi, khoản này trích ra để đáp ứng những mong muốn của bạn như mua sắm, đi du lịch, cafe với bạn bè,…để tự thưởng cho bản thân và cân bằng cuộc sống.
- Lọ thứ 5 – Quỹ tự do tài chính – 10%
Hãy trích ra một phần thu nhập hàng tháng để đem đi đầu tư sinh lời. Bằng cách này bạn sẽ làm tiền đẻ ra tiền thay vì để nó nằm chết một chỗ.
- Lọ thứ 6 – Quỹ từ thiện – 5%
Cho đi là một cách để nhận lại, đây là khoản bạn dành ra để đi đi làm từ thiện, giúp đỡ cộng đồng, bạn bè, người thân,… như một cách thể hiện lòng biết ơn với cuộc sống.
Tuy nhiên, với mỗi nguồn thu nhập của mỗi cá nhân sẽ có sự điều chỉnh phân bổ tài sản sao cho hợp lý chứ. Những người có thu nhập dưới mức trung bình, thu nhập hàng tháng thường chỉ để chi tiêu cho cuộc sống thiết yếu và trích ra một khoản nhỏ để tiết kiệm dài hạn, nếu. Đối với những người có mức trung bình hay khá ngoài chi phí cho nhu yếu phẩm và tiết kiệm, họ vẫn trích ra được một khoản để đầu tư hay phát triển bản thân. Còn với những người giàu sẽ đầu tư cho phát triển bản thân cũng như đầu tư cho việc tự do tài chính, đồng thời sẽ trích một phần tiền kiếm được để làm từ thiện.
5. Đầu tư để tích lũy tài sản sao cho hiệu quả?
Trong tích lũy tài sản, ngoài khoản được trích ra để tiết kiệm, thì khoản tiền dành ra đầu tư cần phải cân nhắc cẩn trọng để đầu tư sao cho hiệu quả.
Muốn đầu tư hiệu quả bạn cần phải có kiến thức, phải dành thời gian tìm hiểu về các loại tài sản đầu tư (cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản,…). Từ đó, hiểu rõ bản chất của các kênh đầu từ để đầu tư kiếm lời đồng thời phải chấp nhận được rủi ro mà đem lại.
Mà học phải đi đôi với hành, phải trải nghiệm đầu tư thực tế với số vốn nhỏ cũng được, nhưng hãy đầu tư. Nếu như mất thì coi đó là số tiền học phí để lấy kiến thức và kinh nghiệm. Sau đó, bạn phải xây dựng cho mình kế hoạch đầu tư tài chính phù hợp nhất cho mình.
Yếu tố quan trọng nhất là sự kiên nhẫn và tính kiên trì để bạn có thể thực hiện được kế hoạch mà bạn đã lập ra.
Cách cân bằng giữa tích lũy và tiêu dùng
Để cân bằng được tích lũy và tiêu dùng, bạn nên suy nghĩ và lập danh sách những thứ bạn thực sự cần và những thứ bạn muốn. Từ đó bạn mới có thể loại bỏ thứ thật sự không cần thiết để chi tiêu hợp lý hơn và tránh lãng phí. Số tiền đó có thể dùng cho tích lũy như đầu tư hay tiết kiệm.