contact.wikinvest@gmail.com | 0392.398.516

CANSLIM là gì? Hướng dẫn phương pháp CANSLIM

1. Phương pháp CANSLIM là gì?

CANSLIM là từ viết tắt của một phương pháp đầu tư trên thị trường chứng khoán bởi ông Willam O’neil phát triển trong quá trình nghiên cứu những cổ phiếu có lợi nhuận cao nhất trong giai đoạn 1953 – 1985. Từ đó ông rút ra được một hệ thống có những đặc tính mấu chốt từ những cổ phiếu này. 

CANSLIM là tập hợp bảy chữ cái đầu tiên của bảy yếu tố mà theo William là rất hiệu quả khi đánh giá cổ phiếu:

C = Current quaterly earnings per share – EPS (Tỉ suất lợi nhuận trên cổ phần) quý hiện tại

Tiêu chuẩn này đòi hỏi cổ phiếu tốt phải là cổ phiếu có sự gia tăng lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước và tỷ lệ tăng càng cao càng tốt.

A = Annual earings growth – tăng trưởng lợi nhuận hằng năm

Điều này có nghĩa là cổ phiếu tốt là cổ phiếu có mức gia tăng lợi nhuận đều đặn năm sau so với năm trước (chỉ tiêu thông thường được tính cho 5 năm) và nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý tới các cổ phiếu có mức gia tăng lợi nhuận hàng năm ổn định và trên 25%.

N = New products, New Management, New Highs – sản phẩm mới, quản lí mới, mức giá mới 

Thực tế cho thấy, giá cổ phiếu tăng thường gắn với một điều gì đó mới mẻ từ công ty.

S = Share outstanding – số lượng cổ phiếu lưu hành

Cổ phiếu cũng là một loại hàng hoá, do vậy, giá cả chịu sự điều chỉnh của quan hệ cung cầu. Công ty càng đại chúng bao nhiêu thì giá cổ phiếu càng khó lên bấy nhiêu nếu không có các yếu tố đột biến khác, do lượng cung lớn. Đối với các công ty mà có chênh lệch lớn về cầu – cung thì khả năng tăng giá của cổ phiếu là dễ dàng hơn.

L = Leading industry – Cổ phiếu dẫn đầu ngành

  1. Đây là tiêu chí xem xét vai trò của cổ phiếu đó trên thị trường là cổ phiếu dẫn đầu hay chỉ là cổ phiếu “ăn theo”. Tuy nhiên, theo phương pháp lựa chọn này, nhà đầu tư chỉ nên chọn một vài cổ phiếu dẫn đầu, tốt nhất trong nhóm chứ không phải là mua càng nhiều loại cổ phiếu càng tốt. Cần chú ý xem lý do tăng của cổ phiếu là gì để tránh việc theo đóm ăn tàn mua phải các cổ phiếu tăng theo đuôi, vì sớm hay muộn những cổ phiếu “ăn theo” cũng sẽ sụt giá.

I = Institutional Sponsorship – sự ủng hộ của các định chế tài chính

Nhà đầu tư sẽ an tâm hơn để đầu tư khi cổ phiếu mà mình đầu tư cũng được sự quan tâm và mua vào của các tổ chức lớn, các thiết chế tài chính lớn và có uy tín. Tuy nhiên, có một trở ngại là sau một thời gian đủ dài, giá cổ phiếu đáp ứng một phần hoặc toàn bộ kỳ vọng của các nhà đầu tư lớn thì thường khó tăng mạnh và có trường hợp bị giảm giá là do khi đã đạt được lợi nhuận kỳ vọng, các tổ chức thường bán ra với số lượng lớn và khi đó nếu không có một lượng cầu (đương nhiên là từ một tổ chức, thiết chế tài chính mới) thì giá cổ phiếu sẽ có xu hướng giảm mạnh.

M = Market direction – định hướng thị trường

Đây là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của phương án đầu tư. Thị trường chứng khoán là thị trường của niềm tin, điều đó có nghĩa là niềm tin sẽ củng cố quyết định nắm giữ đầu tư cổ phiếu lâu dài để thu lợi lớn hơn (giảm cung) và khuyến khích những nhà đầu tư mới tham gia (tăng cầu) và do vậy kéo theo cơ hội tăng giá của cổ phiếu cao hơn. Trong trường hợp ngược lại, khi thị trường có xu hướng đi xuống (ảnh hưởng của niềm tin vào các công ty) nó sẽ làm cổ phiếu, kể cả cổ phiếu tốt giảm giá và phương án đầu tư của nhà đầu tư sẽ khó thành công hơn.

2. Hướng dẫn áp dụng phương pháp CANSLIM trong thị trường chứng khoán.

C – Tỉ suất lợi nhuận trên cổ phần quý hiện tại

  • EPS quý và doanh thu quý phải tăng tối thiểu từ 20% trở lên so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời không so sánh với quý liền kề trước đó để loại bỏ yếu tố thời vụ.

Chẳng hạn, không thể so sánh quý 2 và quý 3 của Công ty cổ phần tập đoàn Kido (HOSE: KDC). Trong khi quý 3, doanh thu sẽ tăng rất mạnh do đúng dịp Tết Trung Thu (yếu tố thời vụ).

  • Thu nhập phải đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính, loại bỏ các yếu tố đột biến chỉ xảy ra 1 lần như: bán bất động sản, bán cổ phần đầu tư tài chính, chênh lệch tỷ giá.

A – Tăng trưởng lợi nhuận hằng năm

Tiêu chí này có thể giúp bạn loại bỏ khoảng 80% các cổ phiếu không tốt. Cổ phiếu tốt là cổ phiếu có mức gia tăng lợi nhuận đều đặn trong vòng 5 năm trước đó. Có thể dựa vào 2 yếu tố dưới đây để đánh giá tiêu chí.

  • Tốc độ tăng trưởng thu nhập hàng năm ít nhất là 25%, tuy nhiên nên chú ý tới chu kỳ kinh doanh của từng ngành, từng công ty.
  • ROE tối thiểu 15% trở lên, những công ty tốt sẽ có lợi suất từ 25% – 50%.

N – Sản phẩm mới, quản lí mới, mức giá mới 

Một doanh nghiệp sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khi có những điều mới mẻ. Đó có thể là sản phẩm, dịch vụ hay người lãnh đạo mới thậm chí là áp dụng những công nghệ mới tân tiến hơn. Các vấn đề khác nhau nằm trong chữ N thuộc về định tính, nên tùy thuộc vào đánh giá của mỗi cá nhân.

Theo thực tế cho thấy, giá cổ phiếu tăng thường gắn với một điều gì đó mới mẻ từ công ty.

S – Số lượng cổ phiếu lưu hành

Trong kinh doanh, quy luật cung cầu luôn có ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản phẩm, và đầu tư chứng khoán cũng không phải là một ngoại lệ. Giá cổ phiếu cũng chịu tác động từ quy luật cung cầu. 

  • Giao dịch trung bình mỗi phiên từ 10,000 cổ phiếu / phiên.
  • Hạn chế giao dịch các cổ phiếu trên sàn UPCOM vì vấn đề thông tin không đầy đủ.

L – Cổ phiếu dẫn đầu ngành hay cổ phiếu chót bảng

Nhà đầu tư trên thị trường chỉ nên mua 2 đến 3 cổ phiếu tốt nhất trong nhóm những cổ phiếu đầu bảng hiện tại, còn lại nên dành tiền cho những cổ phiếu có khả năng sinh lời trong tương lai. Nhất là những doanh nghiệp áp dụng công nghệ tân tiến và được hưởng chính sách vĩ mô trong thời gian tới. Đồng thời, tránh các cổ phiếu có mức tăng trưởng cao nhưng không bền vững như tăng theo trào lưu, theo sự kiện nổi bật…

I – Sự ủng hộ của các định chế tài chính và đầu tư

Một trong những nguồn lớn cung và cầu trên thị trường đến từ những tổ chức (ví dụ: quĩ tương hỗ, ngân hàng, công ty bảo hiểm …). Nếu cổ phiếu của doanh nghiệp đó được sự ủng hộ của những tổ chức nhất là các tổ chức uy tín sẽ mang lại lợi thế cho cổ phiếu. Nó sẽ làm củng cố long tin của các nhà đầu tư nhỏ lẻ đối với cổ phiếu.

Tuy nhiên, có quá nhiều tổ chức tài trợ cũng sẽ có hại. Mọi thứ sẽ trở nên quá trễ một khi cổ phiếu bị mua quá nhiều.  Nếu 70-80% số lượng cổ phiếu lưu hành được nắm giữ bởi tổ chức, mọi thứ sẽ hết. Kết quả của việc tăng sở hữu của tổ chức quá mức có thể xem như là một tin xấu để bán cổ phiếu đi.

M – Định hướng thị trường

Cho dù bạn hoàn toàn chính xác khi nhận định về cả 6 tiêu chí kể trên, nhưng đến tiêu chí định hướng thị trường bạn mắc phải sai lầm thì sẽ có đến 5 trong số 7 cổ phiếu bạn mua sẽ mất giá và khiến bạn thua lỗ. Yếu tố thị trường là yếu tố hết sức quan trọng bởi nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến cổ phiếu nhưng lại ít ai để ý đến. 

Phương pháp này nhằm tìm kiếm cổ phiếu có xu hướng phát triển trong giai đoạn tiếp theo của thị trường. Tùy vào xu hướng thị trường, xu hướng của cổ phiếu, mức độ am hiểu của nhà đầu tư đối với cổ phiếu mà có thể lọc cổ phiếu kỹ càng hơn như:

  • Đâu là lý do mà ban lãnh đạo, cổ đông lớn sẵn sàng mua thêm cổ phiếu?
  • Các sản phẩm mới sẽ thành công thay vì thất bại?

Đây cũng chính là điểm thể hiện sự khác biệt giữa các nhà đầu tư.

3. Vì sao phương pháp CANSLIM được nhiều người áp dụng

Nhiều chuyên gia đánh giá CANSLIM là một trong những phương pháp hiệu quả nhất trong vô vàn các công cụ phân tích chứng khoán hiện nay. Nó thể hiện sự kết hợp hài hoà giữa phương pháp phân tích cơ bản với phương pháp phân tích kỹ thuật đầu tư chứng khoán.

Cha đẻ của phương pháp phân tích và lựa chọn cổ phiếu này đã lựa chọn cổ phiếu hiệu quả có tốc độ tăng trưởng bình quân 40%/ năm. Nó mang lại cho nhà đầu tư các chiến lược đầu tư phòng thủ, mang lại ít rủi ro và mức lợi nhuận ổn định nếu có kỷ luật và tuân thủ đúng  nguyên tắc.

4. Có nên sử dụng CANSLIM để đầu tư chứng khoán ở Việt Nam.

Phương pháp CANSLIM bao gồm 60% phân tích cơ bản và 40% phân tích kỹ thuật.

Phân tích cơ bản giúp nhà đầu tư có thể đánh giá, nhận biết được xu hướng về giá của cổ phiếu qua báo cáo tài chính và xu hướng thị trường. Điều này sẽ khẳng định giá trị thực của một công ty có mối quan hệ mật thiết với các đặc tính tài chính như: khả năng phát triển; những rủi ro mà công ty có thể gặp phải; dòng tiền mặt…

Phân tích kỹ thuật là phương pháp dựa vào biểu đồ, đồ thị diễn biến giá cả và khối lượng giao dịch của cổ phiếu nhằm phân tích các biến động cung – cầu đối với cổ phiếu để chỉ ra cách ứng xử trước mắt, tức chỉ cho nhà phân tích thời điểm nên mua vào, bán ra hay giữ cổ phiếu trên thị trường.

Tuy nhiên do đặc tính của thị trường chứng khoán mới nổi như Việt Nam muốn áp dụng phương pháp CANSLIM vào đầu tư chứng khoán thì cần phải làm ngược lại: 60% phân tích kỹ thuật và 40% phân tích cơ bản.

Lời kết

Thực tế, để tìm được một cổ phiếu hội tụ toàn bộ 7 yếu tố trên là rất khó, vậy nên, những yếu tố trên chỉ mang tính lý thuyết để lựa chọn cổ phiếu, và tìm ra những cổ phiếu gần đủ các yếu tố trên cũng đã đảm bảo rằng nhà đầu tư đã lựa chọn được danh mục ít rủi ro trong hàng trăm mã cổ phiếu trên thị trường.

Ngoài phương pháp CANSLIM bạn có thể tìm các phương pháp khác giúp bạn chọn lọc và đánh giá cổ phiếu hiệu quả.

 (Bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn)

Wikinvest là nơi cung cấp cho nhà đầu tư kiến thức về tài chính, chứng khoán một cách chính xác, đầy đủ, và toàn diện nhất.

Tất cả các báo cáo hay khuyến nghị từ Wikinvest đều xuất phát từ triết lý “đầu tư giá trị”, kết hợp với quá trình phân tích cẩn trọng và tầm nhìn dài hạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC
 
0392.398.516