Theo đánh giá của Wikinvest, các chỉ số tài chính sau đây sẽ thể hiện được tình hình hoạt động kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi khuyên nhà đầu tư nên nắm thành thạo bộ chỉ số, chứ không chỉ riêng một chỉ số nào. Tùy thuộc vào đặc điểm của mỗi ngành nghề kinh doanh, bạn sẽ cần những chỉ số quan trọng riêng để đánh giá. Ngoài ra, để có thể tối ưu được thời gian đánh giá doanh nghiệp, chúng tôi cũng khuyến nghị nhà đầu tư phải xem đi xem lại các chỉ số, và luyện tập đánh giá nó trong nhiều lần.
1. Chỉ số thanh toán hiện hành (Current Ratio)
- Công thức
Chỉ số thanh toán hiện hành = Tài sản ngắn hạn / Nợ ngắn hạn
Chỉ số thanh toán hiện hành còn gọi là hệ số thanh khoản hiện hành, hệ số thanh khoản ngắn hạn.
- Ý nghĩa
Nếu tỷ số thanh toán hiện hành nhỏ hơn 1, nghĩa là Tài sản ngắn hạn đang < Nợ ngắn hạn, cho thấy công ty đang ở trong tình trạng tài chính tiêu cực, có khả năng không trả được các khoản nợ khi đáo hạn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là công ty sẽ phá sản bởi vì có rất nhiều cách để huy động thêm vốn.
Mặt khác, nếu tỷ số này quá cao, nghĩa là Tài sản ngắn hạn lớn hơn Nợ ngắn hạn nhiều, cũng không phải là một dấu hiệu tốt bởi vì nó cho thấy doanh nghiệp đang sử dụng tài sản chưa được hiệu quả.
- Ví dụ
Giả sử một doanh nghiệp X có 150 triệu đồng tài sản ngắn hạn và 100 triệu đồng nợ ngắn hạn.
Vậy hệ số thanh toán hiện hành là 150 triệu/100 triệu = 1,5 >1
Con số này cho thấy Tài sản ngắn hạn gấp 1,5 lần nợ ngắn hạn, nên doanh nghiệp có khả năng trả các khoản nợ ngắn hạn và duy trì hoạt động liên tục.
Nguồn: “CFA Level 1 Book 3: Financial Reporting and Analysis”, Kaplan, 2009
2. Chỉ số thanh toán nhanh (Quick Ratio)
- Công thức
Chỉ số thanh toán nhanh = (Tiền và các khoản tương đương tiền+các khoản phải thu ngắn hạn +các khoản đầu tư ngắn hạn)/(Nợ ngắn hạn)
hoặc Chỉ số thanh toán nhanh = (Tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho ) / Nợ ngắn hạn.
Chỉ số thanh toán nhanh còn được gọi là hệ số thanh khoản nhanh
- Ý nghĩa
Chỉ số thanh toán nhanh cho biết liệu công ty có đủ các tài sản ngắn hạn để trả cho các khoản nợ ngắn hạn mà không cần phải bán hàng tồn kho hay không. Chỉ số này phản ánh chính xác hơn chỉ số thanh toán hiện hành.
Một công ty có chỉ số thanh toán nhanh nhỏ hơn 1 sẽ khó có khả năng hoàn trả các khoản nợ ngắn hạn và phải được xem xét cẩn thận.
Ngoài ra, nếu chỉ số này nhỏ hơn hẳn so với chỉ số thanh toán hiện hành thì điều đó có nghĩa là tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào hàng tồn kho. Các doanh nghiệp bán lẻ là những ví dụ điển hình của trường hợp này.
- Ví dụ
Nhìn vào BCĐKT công ty PNJ, có thể tính được :
Hệ số khả năng thanh toán nhanh = (7.3– 7.03) / 4.03 = 0.075
Nguồn: “CFA Level 1 Book 3: Financial Reporting and Analysis”, Kaplan, 2009
3. Chỉ số thanh toán tiền mặt (Cash Ratio) là gì?
- Công thức tính
Chỉ số thanh toán tiền mặt = (Các khoản tiền và tương đương tiền)/(Nợ ngắn hạn)
- Ý nghĩa
Tỷ số thanh toán tiền mặt cho biết một công ty có thể trả được các khoản nợ của mình nhanh đến đâu, vì tiền và các khoản tương đương tiền là những tài sản có tính thanh khoản cao nhất.
Nguồn: “CFA Level 1 Book 3: Financial Reporting and Analysis”, Kaplan, 2009
4. Thu nhập trên cổ phần ( EPS)
EPS (Earnings Per Share) có nghĩa là thu nhập trên mỗi cổ phiếu được tính bằng lợi nhuận sau thuế của công ty chia cho số cổ phiếu phổ thông đang lưu hành của công ty đó. Đây có thể coi như là phần lợi nhuận thu được trên mỗi khoản đầu tư ban đầu. Nên EPS được coi như một chỉ báo xác định khả năng sinh lời của một doanh nghiệp. Thông thường một công ty báo cáo EPS được điều chỉnh cho các khoản mục bất thường và khả năng pha loãng cổ phiếu.
Để hiểu hơn hãy đọc bài viết : EPS là gì
5. P/E
- Chỉ số P/E là gì?
P/E (Price to Earning ratio) là chỉ số đo lường mối quan hệ giữa giá thị trường và thu nhập của mỗi cổ phiếu.
Trong đó, giá thị trường của cổ phiếu là giá mà tại đó cổ phiếu đang được mua bán ở thời điểm hiện tại; thu nhập của mỗi cổ phiếu EPS là phần lợi nhuận sau thuế mà công ty chia cho các cổ đông thường trong năm tài chính gần nhất.
Để hiểu hơn hãy đọc bài viết : chỉ số P/E là gì
6. Giá trị sổ sách (Book value và Book value per share)
- Công thức
Giá trị sổ sách ( Book value) = Tổng tài sản – TSCĐ vô hình – Nợ
- Ý nghĩa:
Giá trị sổ sách của một cổ phần (BVPS) thể hiện tổng số tiền thu được nếu thanh lí toàn bộ tài sản và sau khi trừ đi hết các khoản nợ phải trả của công ty. Đây sẽ là khoản tiền mà các chủ nợ và cổ đông công ty có thể nhận được trong trường hợp cong ty bị giải thể, phá sản…
Nguồn: “Fundamentals of Corporate Finance”, Stephen A.Ross, McGraw-Hill Irwin
- Ví dụ
Một công ty X có:
tổng tài sản là 100 tỷ đồng
nợ phải trả là 80 tỷ đồng
số lượng cổ phiếu đang lưu hành là 10 triệu.
Ta tính được như sau:
Giá trị sổ sách (BV) = 100 tỷ – 80 tỷ = 20 tỷ.
Điều này có nghĩa là nếu công ty bán hết tài sản của mình và trả hết nợ, giá trị vốn chủ sở hữu hoặc giá trị ròng của doanh nghiệp sẽ là 20 tỷ đồng
Tiếp đó, khi lấy giá trị sổ sách chia cho số lượng cổ phiếu đang lưu hành, ta nhận được giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu ( Book value per share) là:
BVPS = 20 tỷ/ 10 tr = 2000 đồng.
- Phân biệt giá trị sổ sách với giá thị trường, mệnh giá cổ phiếu
Khi nói đến giá trị của cổ phiếu, có 3 tên gọi chính hay được dùng: mệnh giá cổ phiếu, giá trị sổ sách và giá trị thị trường. Để tránh nhầm lần giữa 3 cách gọi này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!
Mệnh giá của cổ phiếu thường: Mệnh giá hay còn gọi là giá trị danh nghĩa của một cổ phiếu và đại diện cho vốn điều lệ của công ty. Ở Việt Nam, mệnh giá cổ phiếu được quy định theo luật là 10000đ/ cổ phiếu.
Giá trị thị trường của cổ phiếu là giá hiện tại mà cổ phiếu thường đang được lưu hành trên thị trường chứng khoán. Giá thị trường của cổ phiếu được xác định bởi quan hệ cung – cầu trên thị trường, phụ thuộc rất nhiều yếu tố, do vậy nó thường xuyên biến động. Nó đại diện cho giá trị vốn hóa thị trường của một công ty – số tiền bỏ ra để mua lại toàn bộ doanh nghiệp này trong điều kiện hiện tại.
Trong khi đó, giá trị sổ sách đại diện cho giá trị tài sản công ty còn lại thực sự là bao nhiêu nếu hiện tại công ty rút lui khỏi kinh doanh.
- Ví dụ:
Cổ phiếu FPT có mệnh giá là 10000đ, đại diện cho vốn điều lệ của FPT là 9,075,644,850,000 đồng ( 10000đ * số lượng cổ phiếu)
Giá thị trường của cổ phiếu FPT hiện tại là 87100đ , đại diện cho mức vốn hóa thị trường của FPT là 76,466 tỷ đ ( 87 100đ * số lượng cổ phiếu lưu hành)
Giá trị sổ sách/ cổ phiếu là 21008 đ, thể hiện rằng nếu FPT giải thể thì các cổ đông sẽ nhận được 21008 đ / cổ phiếu * số lượng cổ phiếu nắm giữ.
7. P/B
Chỉ số P/B (Price-to-Book ratio – Giá/Giá trị sổ sách) là tỷ lệ được sử dụng để so sánh giá của một cổ phiếu so với giá trị ghi sổ của cổ phiếu đó. Tỷ lệ này được tính toán bằng cách lấy giá đóng cửa hiện tại của cổ phiếu chia cho giá trị ghi sổ tại quý gần nhất của cổ phiếu đó.
Để hiểu hơn hãy đọc bài viết : chỉ số P/B là gì