8. Tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA)
Tỷ suất sinh lời trên tài sản (tiếng anh: return on assets, viết tắt: ROA) là một chỉ số đánh giá mức độ sinh lời của một công ty so với tổng tài sản của nó. ROA thể hiện mức độ hiệu quả của công ty trong việc sử dụng tài sản của mình để tạo ra thu nhập.
Để hiểu hơn hãy đọc bài viết : ROA là gì? Cách tính và ý nghĩa của ROA
9. Tỷ suất lợi nhuận thuần
- Công thức
TSLN thuần = (LN sau thuế) / ( Doanh thu thuần)
- Ý nghĩa:
Chỉ tiêu này cho biết một đồng doanh thu thuần từ bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ sẽ tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận.
Tỷ suất này càng cao thì hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp càng cao.
Tuy nhiên, tỷ số này phụ thuộc vào đặc điểm kinh doanh của từng ngành. Vì thế, khi theo dõi tình hình sinh lợi của công ty, người ta so sánh tỷ số này của công ty với tỷ số bình quân của toàn ngành mà công ty đó đang tham gia.
Nguồn: Giáo trình “Tài Chính – Tiền tệ ngân hàng”, PGS.TS Nguyễn Xuân Tiến – NXB Thống Kê
10. Tỷ suất lợi nhuận gộp
- Khái niệm:
Tỷ suất lợi nhuận gộp hay biên lợi nhuận gộp (tiếng anh: gross profit margin, hay gross on sale, viết tắt Chỉ số GOS ) là một số liệu để đánh giá sức khỏe tài chính của một công ty bằng cách lấy lợi nhuận còn lại sau khi trừ đi giá vốn hàng bán chia cho doanh thu.
- Công thức tính:
Tỉ suất lợi nhuận gộp (%) = Lợi nhuận gộp / Doanh thu
Trong đó:
Lợi nhuận gộp = Doanh thu – Giá vốn hàng bán (COGS)
Trong một số trường hợp, doanh thu được thay bằng doanh thu thuần và tỉ suất lợi nhuận gộp được tính bằng công thức:
Tỉ suất lợi nhuận gộp (%) = Lợi nhuận gộp / Doanh thu thuần
- Ý nghĩa:
– Chỉ số này cho biết mỗi đồng doanh thu thu về tạo ra được bao nhiêu đồng thu nhập. Tỉ suất lợi nhuận gộp là một chỉ số rất hữu ích khi tiến hành so sánh các doanh nghiệp trong cùng một ngành.
Nguồn: Giáo trình “Tài Chính – Tiền tệ ngân hàng”, PGS.TS Nguyễn Xuân Tiến – NXB Thống Kê
- Ví dụ:
Tập đoàn X kiếm được 20 triệu $ doanh thu từ sản xuất các vật dụng và chi tiêu 10 triệu $ trong chi phí giá vốn hàng bán.
Lợi nhuận gộp của X là 20 – 10 = 10 triệu $
Tỉ suất lợi nhuận gộp hay tỉ lệ lãi của công ty lúc này là: 10/20 = 0,5 (50%)
Điều này đồng nghĩa với việc, trong 1 $ doanh thu của công ty X có 0,5 $ lợi nhuận gộp.
11. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE)
Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu ( tiếng anh: return on equity, viết tắt ROE ) là một thước đo hiệu quả tài chính được tính bằng cách chia lợi nhuận sau thuế cho vốn chủ sở hữu của cổ đông.
Để hiểu hơn hãy đọc bài viết : Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)? Cách tính và ứng dụng
12. Biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (Net profit margin)
Biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, hay biên lợi nhuận ròng (tiếng Anh: Net Profit Margin/ Net Margin) là chỉ tiêu phản ánh khoản thu nhập thuần được tạo ra trên doanh thu của doanh nghiệp.
Để hiểu hơn hãy đọc bài viết : Net profit margin là gì
13. Hệ số vòng quay hàng tồn kho (Inventory turnover)
- Khái niệm:
Vòng quay hàng tồn kho ( tiếng anh: inventory turnover ratio) là một tỷ số tài chính cho biết số lần một công ty đã bán và thay thế hàng tồn kho trong một thời kỳ nhất định.
- Công thức tính:
Vòng quay HTK = Giá vốn hàng bán / Bình quân HTK trong kỳ
Bình quân HTK = (HTK đầu kỳ+ HTK cuối kỳ)/ 2
- Ý nghĩa:
Hệ số vòng quay hàng tồn kho thể hiện khả năng quản trị hàng tồn kho của doanh nghiệp.
Hệ số vòng quay hàng tồn kho thường được so sánh qua các năm để đánh giá năng lực quản trị hàng tồn kho là tốt hay xấu qua từng năm.
Hệ số vòng quay hàng tồn kho càng cao càng cho thấy doanh nghiệp bán hàng nhanh và hàng tồn kho không bị ứ đọng nhiều. Có nghĩa là doanh nghiệp sẽ ít rủi ro hơn nếu khoản mục hàng tồn kho trong báo cáo tài chính có giá trị giảm qua các năm.
Tuy nhiên, hệ số này quá cao cũng không tốt, vì như vậy có nghĩa là lượng hàng dự trữ trong kho không nhiều, nếu nhu cầu thị trường tăng đột ngột thì rất có khả năng doanh nghiệp bị mất khách hàng và bị đối thủ cạnh tranh giành thị phần.
Vì vậy, hệ số vòng quay hàng tồn kho cần phải đủ lớn để đảm bảo mức độ sản xuất và đáp ứng được nhu cầu khách hàng.
- Ví dụ:
Một công ty có các số liệu sau trên sổ sách kế toán của họ:
Giá vốn hàng bán 150 tr
Hàng tồn kho bắt đầu trị giá 75 tr
Hàng tồn kho cuối kỳ là 12 tr
Vòng quay hàng tồn kho ( hay Tỷ lệ luân chuyển hàng tồn kho ) trong kỳ này được tính bằng:
150 tr / ((75 tr+ 12 tr) / 2)
Hệ số vòng quay hàng tồn kho = 3,45
Nguồn: Financial Reporting and Analysis – CFA curriculum Level 1
14. Hệ số vòng quay các khoản phải thu (Receivable turnover)
- Khái niệm:
Hệ số vòng quay khoản phải thu (Tiếng Anh: Receivable turnover ratio, hoặc account receivable turnover ratio ) là một cách tính trong kế toán để kiểm tra độ hiệu quả của công ty trong việc thu hồi khoản phải thu và tiền nợ từ khách hàng.
- Công thức tính:
Hệ số vòng quay khoản phải thu = ( Doanh thu bán chịu ròng ) / ( Trung bình khoản phải thu )
Trong đó:
Trung bình khoản phải thu được tính bằng cách tính trung bình cộng của khoản phải thu đầu kì và khoản phải thu cuối kì.
Doanh thu bán chịu ròng được tính bằng cách lấy tổng doanh thu bán chịu trong kì trừ đi khoản doanh thu bán chịu đã được khách hàng thanh toán bằng tiền mặt.
- Ý nghĩa:
Tỷ số này đo lường mức độ sử dụng và quản lý tín dụng của một công ty đối với khách hàng và khoản nợ ngắn hạn đó được thu hoặc thanh toán nhanh như thế nào. Một công ty có hiệu quả trong việc thu thập các khoản thanh toán đến hạn sẽ có tỷ lệ vòng quay các khoản phải thu cao hơn.
Hệ số quay vòng các khoản phải thu) là một trong những tỷ số tài chính để đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Nó cho biết các khoản phải thu phải quay bao nhiêu vòng trong một kỳ báo cáo nhất định để đạt được doanh thu trong kỳ đó.
Tỷ số này càng lớn chứng tỏ tốc độ thu hồi các khoản phải thu là cao. Quan sát số vòng quay khoản phải thu sẽ cho biết chính sách bán hàng trả chậm của doanh nghiệp hay tình hình thu hồi nợ của doanh nghiệp.
- Ví dụ
Doanh nghiệp X có số liệu như sau:
Doanh thu tín dụng ròng là 100 triệu/ năm
Trung bình các khoản phải thu là 10 triệu.
Với công thức như trên, ta có:
Hệ số vòng quay khoản phải thu = 100 tr/ 10 tr = 10
Từ đó có thể thấy được doanh nghiệp này có số lần quay vòng các khoản phải thu trung bình là 10 lần mỗi năm.
Nguồn: Financial Reporting and Analysis – CFA curriculum Level 1
15. Hệ số vòng quay các khoản phải trả (Payable turnover)
- Cách xác định:
Vòng quay các khoản phải trả = Doanh số mua hàng thường niên / Bình quân các khoản phải trả
(Payable turnover = Revenue / Avarage total assets)
- Ý nghĩa:
Chỉ số vòng quay các khoản phải trả phản ánh khả năng chiếm dụng vốn của doanh nghiệp đối với nhà cung cấp. Chỉ số vòng quay các khoản phải trả quá thấp có thể ảnh hưởng không tốt đến xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp, bởi nó thể hiện doanh nghiệp đang trả nợ chậm.
Nếu chỉ số Vòng quay các khoản phải trả quá nhỏ (các khoản phải trả lớn), sẽ tiềm ẩn rủi ro về khả năng trả nợ của doanh nghiệp dẫn tới phá sản. Tuy nhiên, nếu chỉ số này ở mức vừa phải, sẽ thể hiện khả năng chiếm dụng vốn của doanh nghiệp và tận dụng khoản nợ này vào việc kinh doanh, đầu tư trước khi đến hạn trả nợ.
16. Hệ số vòng quay tài sản cố định (Fixed asset turnover)
- Cách xác định:
Vòng quay Tài sản cố định = Doanh thu thuần/Tài sản cố định bình quân
(Fixed asset turnover = Revenue / Average fixed assets)
- Ý nghĩa:
Chỉ số này giúp đánh giá hiệu quả sử dụng Tài sản cố định(TSCĐ) của doanh nghiệp, cho thấy 1 đồng TSCĐ tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh sẽ tạo ra bao nhiêu đồng doanh thu.
Chỉ số này càng cao cho thấy hiệu quả sử dụng TSCĐ của doanh nghiệp càng cao và ngược lại.
Nguồn: Financial Reporting and Analysis – CFA curriculum Level 1
17. Hệ số vòng quay tổng tài sản (Asset Turnover Ratio)
- Định nghĩa/Cách xác định:
Vòng quay tài sản = Doanh thu thuần / Tổng tài sản bình quân
(Asset turnover ratio = Revenue / Average assets)
- Ý nghĩa:
Hệ số vòng quay tổng tài sản dùng để đánh giá hiệu quả của việc sử dụng tài sản của công ty. Thông qua hệ số này chúng ta có thể biết được với mỗi một đồng tài sản có bao nhiêu đồng doanh thu được tạo ra.
Hệ số vòng quay tổng tài sản càng cao đồng nghĩa với việc sử dụng tài sản của công ty vào các hoạt động sản xuất kinh doanh càng hiệu quả.
Tuy nhiên muốn có kết luận chính xác về mức độ hiệu quả của việc sử dụng tài sản của một công ty chúng ta cần so sánh hệ số vòng quay tài sản của công ty đó với hệ số vòng quay tài sản bình quân của ngành.
Nguồn: Financial Reporting and Analysis – CFA curriculum Level 1
Xem thêm các chỉ số đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp tại đây.