1. Khối tự doanh chứng khoán là gì?
Giao dịch khối tự doanh là giao dịch của các công ty chứng khoán mục đích thu lợi nhuận cho chính các công ty này. Có thể hiểu đơn giản đó là công ty chứng khoán tự hoạt động kinh doanh, mua bán cổ phiếu trên thị trường nhằm mục đích thu lời, bên cạnh hoạt động môi giới.
1.1. Các hình thức giao dịch trong hoạt động tự doanh chứng khoán
Giao dịch trực tiếp: Là giao dịch tay đôi giữa hai công ty chứng khoán hay giữa công ty chứng khoán với một khách hàng thông qua thương lượng. Đối tượng của các giao dịch trực tiếp là các loại chứng khoán đăng ký giao dịch ở thị trường OTC.
Giao dịch gián tiếp: Là giao dịch mà công ty chứng khoán đặt các lệnh mua và bán chứng khoán trên Sở giao dịch, lệnh của họ có thể thực hiện với bất kỳ khách hàng nào không được xác định trước.
1.2. Mục đích của hoạt động tự doanh chứng khoán
Công ty chứng khoán triển khai nghiệp vụ tự doanh nhằm thực hiện các mục đích sau đây:
Để thu chênh lệch giá cho chính mình: Công ty chứng khoán là tổ chức kinh doanh chứng khoán chuyên nghiệp, có lợi thế về thông tin và khả năng phân tích, định giá chứng khoán… cho nên khi triển khai nghiệp vụ tự doanh, khả năng sinh lời của họ sẽ cao hơn các nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, hoạt động này của các công ty chứng khoán phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật
Dự trữ để đảm bảo khả năng cung ứng: Các công ty chứng khoán sẽ có trách nhiệm trong việc đảm bảo tính thanh khoản của thị trường bởi vậy họ phải tính toán để xác định khối lượng các chứng khoán cần mua để dự trữ, nhằm đảm bảo khả năng cung ứng trong những trường hợp cần thiết. Ngoài ra còn đảm bảo khả năng sinh lời phù hợp.
Điều tiết thị trường khi giá chứng khoán có sự biến động, gây bất động cho hoạt động cung của thị trường chứng khoán. Mục đích này sẽ được thực hiện nếu các công ty liên kết với nhau thông qua một tổ chức cụ thể như Hiệp hội chứng khoán
Xem thêm bài viết : Công ty chứng khoán.
1.3. Yêu cầu đối với nghiệp vụ tự doanh chứng khoán
Các công ty chứng khoán khi triển khai nghiệp vụ tự doanh chứng khoán cần đáp ứng các yêu cầu sau:
– Tách biệt quản lý: Khi công ty chứng khoán đồng thời thực hiện hai nghiệp vụ tự doanh chứng khoán và môi giới chứng khoán thì cần tách biệt 2 nghiệp vụ này. Sự tách biệt bao gồm về con người, vốn, tài sản và quy trình nghiệp vụ
– Ưu tiên khách hàng: Các công ty chứng khoán có khả năng tiếp cận thông tin và chỉ động trên thị trường nên có thể dự đoán được diễn biến của thị trường. Cho nên để đảm bảo sự công bằng cho các khách hàng khi giao dịch chứng khoán, các công ty chứng khoán phải tuân thủ nguyên tắc ưu tiên khách hàng khi thực hiện nghiệp vụ. Có nghĩa là lệnh giao dịch của khách hàng phải được xử lý trước lệnh tự doanh của công ty.
– Bình ổn thị trường: Các công ty chứng khoán hoạt động tự doanh nhằm góp phần bình ổn giá cả thị trường. Hoạt động này được tiến hành bắt buộc theo luật định.
– Hoạt động tạo thị trường: Khi được phát hành, các chứng khoán mới chưa có thị trường giao dịch. Để tạo thị trường cho các chứng khoán này, các công ty chứng khoán thực hiện tự doanh thông qua việc mua và bán chứng khoán, tạo tính thanh khoản trên thị trường cấp hai. Còn trên những thị trường chứng khoán phát triển, các nhà tạo lập thị trường sử dụng nghiệp vụ mua bán chứng khoán trên thị trường OTC để tạo thị trường.
2. Quy định của pháp luật về nghiệp vụ tự doanh chứng khoán
2.1. Quy định về vốn pháp định
Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 18 Nghị định số 14/2007/NĐ-CP, vốn pháp định cho nghiệp vụ tự doanh chứng khoán của công ty chứng khoán, công ty chứng khoán có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam là 100 tỷ đồng Việt Nam.
2.2. Quy định về hoạt động tự doanh chứng khoán
Căn cứ theo Điều 22, Thông tư số 121/TT-BTC, nghiệp vụ tự doanh chứng khoán trong hoạt động của công ty chứng khoán cần đảm bảo các quy định sau:
– Công ty chứng khoán phải đảm bảo có đủ tiền và chứng khoán để thanh toán các lệnh giao dịch cho tài khoản của chính mình.
– Nghiệp vụ tự doanh của công ty chứng khoán phải được thực hiện với danh nghĩa chính mình, không được mượn danh nghĩa của người khác hoặc thực hiện với danh nghĩa cá nhân hoặc cho người khác sử dụng tài khoản tự doanh.
– Các trường hợp sau không được coi là tự doanh chứng khoán:
Mua, bán chứng khoán do sửa lỗi sau giao dịch;
Mua, bán cổ phiếu của chính mình.
– Công ty chứng khoán phải ưu tiên thực hiện lệnh của khách hàng trước khi thực hiện lệnh của chính mình.
– Công ty chứng khoán phải công bố cho khách hàng biết khi mình là đối tác trong giao dịch thỏa thuận với khách hàng.
– Trong trường hợp lệnh mua, bán chứng khoán của khách hàng có thể ảnh hưởng lớn tới giá của loại chứng khoán đó, công ty chứng khoán không được mua, bán trước cùng loại chứng khoán đó cho chính mình hoặc tiết lộ thông tin cho bên thứ ba mua, bán chứng khoán đó.
– Khi khách hàng đặt lệnh giới hạn, công ty chứng khoán không được mua hoặc bán cùng chiều cùng loại chứng khoán đó cho mình ở mức giá bằng hoặc tốt hơn mức giá của khách hàng trước khi lệnh của khách hàng được thực hiện.
2.3. Quy định về tài khoản tự doanh chứng khoán
Theo Điểm 2.3, mục 2, Công văn số 2327/UBCK-PTTT do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành hướng dẫn thực hiện Thông tư 74/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn giao dịch chứng khoán: “Công ty chứng khoán có nghiệp vụ tự doanh chỉ được phép mpr một tài khoản giao dịch tự doanh chứng khoán tại chính công ty chứng khoán và không được phép mở bất cứ tài khoản tự doanh nào tại các công ty chứng khoán khác”.
3. Quy trình tự doanh chứng khoán
Hoạt động tự doanh chứng khoán không có một quy trình chuẩn hay bắt buộc nào. Các công ty chứng khoán tùy theo cơ cấu tổ chức của mình sẽ có các quy trình nghiệp vụ riêng, phù hợp. Tuy nhiên, về cơ bản quy trình hoạt động tự doanh sẽ bao gồm các bước sau:
Bước 1: Xây dựng chiến lược đầu tư
Các công ty chứng khoán phải xác định rõ chiến lược trong hoạt động tự doanh là chủ động, thụ động hay bán chủ động, đầu tư vào ngành nghề hay lĩnh vực nào?
Bước 2: Khai thác tìm kiếm cơ hội đầu tư
Các công ty chứng khoán có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư ở thị trường phát hành và thị trường lưu thông, thị trường chứng khoán đã niêm yết và chưa niêm yết.
Bước 3: Phân tích, đánh giá chất lượng, cơ hội đầu tư
Đây là bước mà bộ phận tự doanh sẽ thực hiện. Có thể kết hợp cùng bộ phận phân tích, thẩm định để đưa ra các kết luận về số lượng, giá cả, thị trường…
Bước 4: Thực hiện đầu tư
Bộ phận tự doanh sẽ triển khai thực hiện các hoạt động giao dịch mua, bán chứng khoán, tuân thủ theo quy định của pháp luật
Bước 5: Quản lý đầu tư và thôi hồi vốn
Bộ phận tự doanh có trách nhiệm theo các các khoản đầu tư cũng như tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới. Theo đó:
– Đối với trái phiếu nên theo dõi các biến động về lãi suất, tỷ giá hối đoái, biến động kinh tế…
– Đối với cổ phiếu phải theo dõi danh mục cổ phiếu trên cơ sở phân tích và dự đoán kinh tế vĩ mô, thực trạng cổ phiếu đang nắm giữ, định giá để ra quyết định tiếp tục nắm giữ hay bán đi
4. Phân biệt tự doanh chứng khoán với môi giới chứng khoán
Nhằm phân biệt tự doanh chứng khoán với môi giới chứng khoán, nhà đầu tư có thể xem xét bảng dưới đây
Tiêu chí | Môi giới chứng khoán | Tự doanh chứng khoán |
Khái niệm | Theo Luật Chứng khoán 2019: Môi giới chứng khoán là việc làm trung gian thực hiện mua, bán chứng khoán cho khách hàng. | Là việc công ty chứng khoán mua, bán chứng khoán cho chính mình |
Vai trò của công ty chứng khoán | Làm trung gian thực hiện lệnh cho khách hàng để hưởng hoa hồng | Công ty chứng khoán kinh doanh bằng chính nguồn vốn của công ty |
Vốn pháp định | 25 tỷ đồng Việt Nam | ỷ đồng Việt Nam |
5. Nghiệp vụ tự doanh của các công ty chứng khoán ở Việt Nam
Sau bốn năm bán ròng liên tiếp từ 2014 đến 2018, bộ phận tự doanh các công ty chứng khoán đã mua ròng trở lại trong năm 2019.
Tự doanh là hoạt động mà công ty chứng khoán đóng vai trò như một nhà đầu tư trên thị trường. Giai đoạn 2005-2010, tự doanh từng là bộ phận chính và chiếm nguồn thu lớn khi các công ty chứng khoán cũng chính là đơn vị tư vấn niêm yết. Đến giai đoạn khó khăn 2011-2015, các công ty chứng khoán hầu hết thu hẹp hoạt động này hoặc chuyên nghiệp hóa thông qua tách bạch hoạt động quản lý quỹ với hoạt động của công ty chứng khoán.
Tuy nhiên, năm 2019, với sự phát triển sản phẩm mới của thị trường, như chứng quyền, hoạt động tự doanh đang có dấu hiệu sôi động trở lại.
Theo báo cáo của Fiin Group, bộ phận tự doanh các công ty chứng khoán đã mua ròng hơn 300 tỷ đồng trong năm 2019, sau 4 năm bán ròng trước đó.
“Mặc dù số tuyệt đối giá trị mua ròng không lớn nhưng động thái này cho thấy các công ty chứng khoán đã thay đổi góc nhìn về triển vọng thị trường và có bước chuẩn bị tích lũy cổ phiếu”, nhóm phân tích của FiinGroup đánh giá.
Năm 2017, bộ phận tự doanh bán ròng 1.367 tỷ đồng trong lúc thị trường đang lên. Năm 2018, khi thị trường đạt đỉnh, tự doanh của các công ty chứng khoán chốt lãi với lượng bán ròng đột biến hơn 1.280 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2019, dòng tiền từ bộ phận tự doanh đã quay lại với giá trị mua ròng hơn 300 tỷ.
Theo FiinGroup, dòng tiền từ tự doanh trong năm 2019 chảy mạnh nhất vào ngành thực phẩm và đồ uống (1.700 tỷ đồng), theo sau là ngân hàng (400 tỷ đồng), dầu khí (300 tỷ đồng), bất động sản và xây dựng.
Riêng ngành ngân hàng, khối tự doanh quay lại mua ròng 400 tỷ đồng sau khi đã ròng rã bán cổ phiếu nhóm ngành này trong 4 năm trước đó.
Ở chiều ngược lại, tự doanh bán ròng mạnh ngành dịch vụ tài chính với quy mô 2.500 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ năm liên tiếp cổ phiếu ngành này bị bán ròng. Giá trị bán ròng còn tập trung vào nhóm cổ phiếu điện nước, xăng dầu, khí đốt, hàng hóa và dịch vụ công nghiệp.
Xét về từng cổ phiếu, MSN là cổ phiếu được tự doanh mua ròng nhiều nhất với quy mô 1.200 tỷ đồng, đóng góp chính vào mức mua ròng 1.700 tỷ đồng của ngành thực phẩm và đồ uống. Tiếp theo là cổ phiếu VIC của Vingroup được mua 700 tỷ đồng. PLX, GTN và VNM đứng sau với quy mô mua ròng mỗi mã 200-300 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, E1VFVN30 bị bán mạnh nhất với quy mô 2.400 tỷ đồng, VHM bị bán ròng 800 tỷ đồng. TPB, TMS, và POW mỗi mã bị bán ròng 200 tỷ đồng.
Cũng theo số liệu từ FiinGroup, quy mô danh mục tự doanh trên tổng tài sản của các công ty chứngkhoán có xu hướng tăng dần và đã chiếm hơn 40% vào cuối năm 2019. Trong đó, SSI, VND, VCBS và MSI là những công ty chứng khoán có tỷ trọng tài sản tài chính trên tổng tài sản trên 50%.
Một tỷ trọng nhất định trong danh mục của các công ty này để nắm giữ VNM, HPG, MWG, VIC và MBB. Tuy nhiên, quy mô doanh mục tự doanh này nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro cho sản phẩm chứng quyền đã phát hành.
6. Tại sao cần quan tâm đến giao dịch khối tự doanh và giao dịch khối ngoại?
Khối tự doanh công ty chứng khoán là gì?
Khối tự doanh công ty chứng khoán là bộ phận của công ty chứng khoán, thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán, hay mua/ bán chứng khoán cho chính công ty để thu lợi từ hoạt động kinh doanh chứng khoán này.
(*) Thị trường thay đổi như thế nào dưới tác động của giao dịch khối tự doanh và khối ngoại.
– Xuất phát từ đặc điểm khối tự doanh và khối ngoại là những tổ chức lớn có cả chuyên môn, tiềm lực tài chính cũng như khả năng tiếp cận thông tin với thị trường cực tốt vì vậy có rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ cho rằng cần theo dõi giao dịch của 2 khối này nhằm đánh giá tình hình thị trường.
– Và bởi trong ngắn hạn diễn biến thị trường chính là diễn biến của tâm lý các nhà đầu tư, vì thế mà việc giao dịch bán liên tục (hoặc mua liên tục) của khối tự doanh hoặc khối ngoại có thể tác động lên thị trường theo hướng tiêu cực hoặc tích cực do có không nhỏ các nhà đầu tư sẽ có xu hướng nhận định thị trường theo giao dịch của 02 khối lớn này.
– Tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng là chính xác, đơn cử như từ trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 này, khối ngoại liên tục bán ròng nhiều phiên với khối lượng hàng chục ngàn tỷ đồng , và thậm chí lập kỷ lục bán ròng từ trước tới nay, nhưng thị trường chứng khoán chúng ta không hề có dấu hiệu lao dốc, thậm chí còn tăng khá mạnh.
-Nói vậy là để thấy mọi nhận định về thị trường cũng đều cần xét trên bối cảnh của nền kinh tế cùng với sự tác động của nhiều yếu tố khác để đưa tới kết quả chính xác.
Sau đây là dữ liệu thống kê khối ngoại bán ròng.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thị trường Chứng khoán, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, 2018, NXB Tài chính, Báo điện tử Vnexpress, thebank.vn)